ban chiếu bố cáo thiên hạ, làm lễ tế trời rồi đăng quang tại phủ chính ở Phú
Xuân, lấy hiệu là Võ Vương. Lễ đăng quang được tổ chức vô cùng trọng thể,
súng thần công bắn rền trời, đèn hoa, cờ xí rực rỡ trên bờ dưới sông. Đạo
ngự gồm kiệu vua, tượng binh, kị binh và đoàn quan lại tùy tùng diễu hành
khắp đô thành. Sau đó vương xuống thuyền rồng về điện Trường Lạc ở làng
Dương Xuân, thượng lưu sông Hương...
Kể từ đó mọi thứ đều thay đổi. Tam ti đổi thành lục bộ đúng như một triều
đình. Những người cầm đầu các ti cũ nay gọi là Thượng thư, phủ chúa gọi là
điện, cách xưng với chúa đổi thành tâu. Anh em, họ hàng gần của chúa đều
phong tước quận công. Đối với các nước thuộc quốc như Chămpa, Chân
Lạp, Cao Miên, Ai Lao... chúa xưng là Thiên vương.
Lại chia nước ra làm 12 dinh, dinh nào cũng đặt quan trấn thủ, quan cai
bạ, quan kí lục để coi việc cai trị. Các quan tước đều thăng một trật. Không
chỉ triều phục bách quan thay đổi, mà dân chúng cũng phải mặc trang phục
mới, từ chiếc áo, chiếc quần đều được quy định cho người lớn, trẻ em, các
tầng lớp dân. Các quan được thêm phẩm hàm, bổng lộc ai nấy đều hoan hỉ.
Số người ăn bám “trong biên chế nhà nước” cũng tăng vọt...
Chứng kiến những gì diễn ra, các bậc thức giả, các thầy đồ, các lão nông
từng trải... thảy đều ngao ngán. Họ linh cảm thấy Đàng Trong sắp sa vào con
đường suy vong. Quả nhiên, tình hình đã diễn ra như thế.
Bắt đầu bằng việc xây dựng tân đô. Một loạt điện đài được xây ở Phú
Xuân cho xứng với vương triều mới. Dựng hai điện Kim Hoa và Quang
Hoa, các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hoà, Di Nhiên, đài Sướng Xuân,
đình Thuỵ Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, rồi nào là công đường, trường
học, trường súng. Ở thượng lưu sông Hương về bờ nam có phủ Dương Xuân
và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, lại dựng điện Trường Lạc, hiên
Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ. Các nhà đều lát nền đá, trên lát
ván kiền kiền, trồng xen cây cối, cây nào cũng to mấy người ôm. Vườn sau
thì núi giả đá quý, ao vuông hào quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường
ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng
phượng, lân hổ, cỏ hoa...