thấy chúa có viên ngọc quý, cầm xem. Chúa sợ nàng đánh rơi, bảo phải cẩn
thận. Nàng liền sầm mặt, ném viên ngọc xuống, khóc:
- Ngọc thì đã là gì. Chẳng qua sai người vào Quảng Nam kiếm giả chúa
hạt khác là cùng. Sao nỡ trọng của khinh người làm vậy!
Rồi nàng dỗi, bỏ sang cung khác, lấy cớ ốm từ chối gặp chúa. Chúa phải
dỗ dành mãi nàng mới chịu tiếp.
Năm 1777 Đặng Thị Huệ sinh được cho chúa con trai, đặt tên là Cán.
Chúa mừng không để đâu cho hết, phong nàng làm chính cung, gọi là Tuyên
phi.
Bấy giờ con trưởng của chúa là Trịnh Tông (còn có tên là Khải) đã đến
tuổi lập làm thế tử, nhưng chúa cứ lần lữa mãi. Lo cho ngôi vị của mình,
Tông câu kết với một số đại thần tính chuyện tự lập. Gặp lúc chúa ốm nặng,
Tông cho gọi các đạo quân ở Sơn Tây, Kinh Bắc về làm hậu thuẫn, chờ khi
chúa mất là khởi sự. Không ngờ chúa lại khỏi. Chuyện bại lộ, Tông liền bị
bắt giam. Người có “công” phát hiện ra việc tày trời ấy không phải ai khác
mà chính là Đặng Tuyên phi. Từ lâu, nàng đã có ý giành ngôi thế tử cho con
mình. Muốn thế, trước hết phải loại bỏ Trịnh Tông đã. Tuyên phi câu kết với
Quận Huy (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo), người có tay chân, thủ hạ
ở khắp nơi để tìm cơ hội. Nay có người mật báo về mưu đồ của Trịnh Tông,
bà và Quận Huy lập tức tâu chúa. Chúa giận lắm, giáng Trịnh Tông làm con
út, bắt quản thúc trong nội phủ. Lại phong Trịnh Cán, khi ấy mới ba tuổi,
làm thế tử. Quận Huy được cử làm A phó để phò tá.
Tháng Chín năm Nhâm Dần (1782), chúa Trịnh Sâm qua đời. Theo di
mệnh của ngài, thế tử Trịnh Cán được lập làm chúa, Tuyên phi Đặng Thị
Huệ buông rèm nhiếp chính. Vốn xuất thân làm nghề hái chè ở làng Phù
Đổng, trấn Kinh Bắc, nay trở thành Thái phi, bà được dân gian quen gọi là
Bà Chúa Chè.
Bấy giờ chúa mới là Trịnh Cán còn nhỏ dại, sức khỏe lại kém. Thái phi
nhiếp chính và A phó Quận Huy phải thường xuyên gặp gỡ để bàn mưu, tính
kế lo cho cơ nghiệp chúa, đồng thời đối phó với bè đảng của Trịnh Tông. Vì