hai lần, chúa đều bắt những tên chủ xướng trị tội, nhưng họ đã quen thói, hễ
có điều gì bất bình là lại nổi lên làm loạn.
Đến lần này thì kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, khi họ can thiệp vào
việc nhà chúa. Bấy giờ có Nguyễn Bằng, một tên biện lại người Nghệ An,
đứng ra làm đầu trò. Y bàn với lính tam phủ lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh
Tông. Trước hết, họ ngầm liên hệ với mẹ Trịnh Sâm xin ý chỉ, hẹn với quân
bên ngoài vào chi viện rồi nhờ người làm bài hịch khích lệ quân lính.
Hôm khởi sự, Nguyễn Bằng vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu,
lính kiêu binh liền kéo đến vây phủ. Quận Huy ra chống cự nhưng không
nổi, bị giết chết. Đặng Thị Huệ khiếp sợ quá, phải thay đổi quần áo, nấp ở
hậu cung. Lính kiêu binh phế bỏ Trịnh Cán, rước Trịnh Tông lên ngôi chúa.
Các đình thần im lặng không dám chống cự.
Trịnh Tông lên rồi, thứ phi Dương Ngọc Hoan trở thành Thái phi. Bà liền
sai người bắt Tuyên phi hỏi tội, sau đem giam vào nhà Hộ tăng ở vườn sau.
Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kì khổ sở. Một bữa, bà trốn ra
khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp...
Sau một thời gian giam giữ ngặt, Đặng Thị Huệ được cho làm cung tần
nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày
đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Được hai năm, đến ngày giỗ chúa
Trịnh Sâm, bà được cho ra làm lễ. Tế xong, bà uống thuộc độc mà chết...
Đấy là theo Hoàng Lê nhất thống chí. Còn có sách nói rằng, tại lễ tế chúa
Trịnh Sâm, bà khóc lóc thảm thiết trước bài vị chúa rồi đâm cổ tự vẫn...
Chi tiết có thể khác nhau, nhưng đều toát lên tính cách quyết liệt của nhân
vật Đặng Thị Huệ, người đã đi vào tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật,
Nguyễn Huy Tưởng cũng như nhiều tác phẩm văn học khác, cả các văn thơ
truyền miệng. Có điều chắc chắn, dù không có di ảnh cũng như không có
những ghi chép tả thực về ngoại hình bà, song một cách thật tự nhiên, Tuyên
phi Đặng Thị Huệ luôn được xếp vào “Tứ đại mĩ nhân” của nước ta. Ba
người còn lại có thể thay đổi theo từng bầu chọn, song bao giờ cũng luôn có
mặt Đặng Tuyên phi. Phải chăng bà đẹp thật, hay dấu ấn lịch sử của bà đã
gây ấn tượng đến thế trong cảm thức của người đời?...