Tháng 4 năm 1784, Chakkri phái hai tướng Lục Côn và Sa Uyên cùng
Chiêu Thùy Biện, một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm, đem hai đạo binh tiến
sang Chân Lạp để từ đó, mở một mũi tiến công theo đường bộ. Ngoài quân
bản bộ của Xiêm La, các tướng này còn huy động thêm lính Chân Lạp, tăng
quân số lên đến 3 vạn người. Đạo quân này có nhiệm vụ đi trước dọn đường.
Tháng 7, đạo thứ hai do cháu vua Xiêm là Chiêu Tăng làm chủ soái và
Chiêu Sương lĩnh ấn tiên phong, gồm 2 vạn quân và 300 chiến thuyền. Đây
là đạo quân chủ lực xuất phát từ Vọng Các (Băng Cốc) qua vịnh Xiêm La
tiến vào Hà Tiên.
Về phần mình, Nguyễn Ánh cũng tập hợp được 3000 quân, phong cho
Chu Văn Tiếp làm Bình tây Đại đô đốc làm nhiệm vụ dẫn đường. Sau khi
hội quân, cả thủy bộ quân Xiêm - Nguyễn cùng tấn công vào Rạch Giá
(Kiên Giang).
Bấy giờ Nguyễn Huệ đã trở về Quy Nhơn, miền Gia Định do phò mã vua
Thái Đức là Trương Văn Đa chỉ huy. Quân Tây Sơn chủ trương đánh cầm
chân giặc, vừa để thăm dò lực lượng địch. Quân Xiêm được thể chiếm Cần
Thơ, rồi tiến đánh các miền đến tận Mân Thiết (Vĩnh Long). Chúng thiết lập
đại bản doanh ở Trà Tân (Cai Lậy), chuẩn bị tấn công thành Mĩ Tho và Gia
Định.
Quân Xiêm đi đến đâu thỏa sức phá làng mạc, vơ vét của cải, giết chóc
dân lành, hãm hiếp đàn bà con gái... Trong một trận đánh, Đại đô đốc Chu
Văn Tiếp bị tử trận. Đến lúc này Nguyễn Ánh bắt đầu nhận ra sai lầm của
mình, nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng. Ông viết cho giáo sĩ J. Liot
(trong bức thư đề ngày 25-1-1785), than phiền rằng: “Nay thì Xiêm binh tự
do cướp giật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già
trẻ. Vậy nên, giặc Tây Sơn ngày một mạnh, thế quân Xiêm ngày một suy.”
Trước tình hình đó, Trương Văn Đa cử Đô úy Đặng Văn Trấn về Quy
Nhơn cấp báo. Nguyễn Nhạc lập tức cử Nguyễn Huệ làm Tổng chỉ huy vào
Nam chống giặc. Tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ dẫn một đạo thủy binh
vượt biển vào đóng ở Mĩ Tho, cách bản doanh quân giặc 30 km. Ông thân
chinh đi thám sát cách bố phòng của địch; gặp gỡ nhân dân quanh vùng tìm