Lê Sùng có hai con là Lê Y và Lê Xuân. Năm 1516, khi khởi binh giết vua,
Trịnh Duy Sản lập Lê Y khi ấy mới 10 tuổi lên làm vua, tức Lê Chiêu Tông.
Như vậy, hậu duệ của Kiến Vương đến đây có thêm cậu cháu đích tôn được
đưa lên ngai vàng.
Lê Y làm vua trong bối cảnh loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp nơi, trong đó
có cuộc khởi nghĩa lớn của Trần Cảo làm chao đảo vương triều, dẫn đến sự
sụp đổ của nhà Lê.
Khi quân khởi loạn đốt phá Cửu trùng đài, các tướng lập thành phe phái
nổi lên, đua nhau tranh cướp, phá phách kinh thành. Trịnh Duy Sản phải
đem Chiêu Tông chạy vào Tây Đô. Trần Cảo nhân cơ hội vào chiếm thành
Thăng Long. Các tướng tạm gác việc xung đột để chống Trần Cảo. Trần Cảo
thua phải chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Tông được đưa về kinh, ra tay
thanh trừng các lực lượng phản loạn.
Trong một lần đi đánh Trần Cảo ở Chí Linh (Hải Dương), Trịnh Duy Sản
bị chết. Trần Cảo lại mang quân về định đánh kinh thành. May có người con
nuôi của Duy Sản là Trần Chân phá được Trần Cảo ở Gia Lâm. Trừ được
mối nguy cho kinh thành, Trần Chân nắm ngay lấy binh quyền. Bấy giờ
trong số những người “phò vua”, Mạc Đăng Dung tỏ ra là người có tài năng
và khôn khéo. Ông dần dần thâu tóm quyền hành và trở thành một nhân vật
trụ cột của triều đình. Nhận thấy thế lực của Trần Chân, Mạc Đăng Dung
tìm cách kết thân: ông hỏi con gái của Chân cho con trai mình là Mạc Đăng
Doanh, kết thông gia giữa hai nhà Trần - Mạc.
Bấy giờ Lê Chiêu Tông còn ít tuổi, mà uy thế của Trần Chân thì quá lớn.
Vì thế các cận thần khuyên vua nên trừ đi. Chiêu Tông nghe lời gièm pha,
cho triệu Trần Chân vào trong cung cấm, rồi hạ lệnh đóng các cửa thành lại,
sai lực sĩ vây bắt.
Trần Chân bị giết, song vây cánh vẫn còn, các tướng từ Sơn Tây mang
quân về đánh kinh thành, báo thù cho chủ. Chiêu Tông lại phải triệu thông
gia của Trần Chân là Mạc Đăng Dung, khi ấy đang trấn thủ Hải Dương về
cứu. Mạc Đăng Dung kéo quân thuỷ bộ về phá tan quân khởi loạn ở Từ
Liêm. Lê Chiêu Tông phong Đăng Dung làm Minh Quận công, nhưng trong