tiếng tăm của ông vẫn truyền đi xa, nhiều kẻ sĩ muốn tìm gặp, ông đều lảng
tránh.
Người ta gọi ông bằng nhiều tên. Nào là Điền Ẩn, Cuồng Ẩn hay Lam
Hồng dị nhân, nghĩa là người kì dị, điên khùng đi ở ẩn. Các nhà nho, kẻ sĩ
đương thời thì gọi ông một cách tôn kính là Lục Niên tiên sinh, La Giang
Phu Tử, La Sơn Phu Tử...
Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Thăng Long “phù Lê diệt Trịnh”. Ông sai Trần
Văn Kỉ tìm hiểu nhân tài Bắc Hà để thu dụng sau này. Người đầu tiên được
nhắc đến chính là Nguyễn Thiếp, một người đạo cao đức trọng, giỏi kinh
luân, am tường dịch lí. Khi trở về dừng chân tại Nghệ An, Nguyễn Huệ cho
hai viên quan cao cấp thuộc bộ Binh và bộ Hình đem thư và vàng lụa đến
nơi Nguyễn Thiếp ẩn cư, mời ông xuống núi để được gặp mặt. Trong thư
Bắc Bình Vương gọi Nguyễn Thiếp là “Phu Tử”, tôn ông như một người
thầy, một nhà hiền triết:
“Đã lâu nay nghe tiếng Phu Tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có.
Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc...”
Do chưa hiểu rõ về phong trào Tây Sơn và cá nhân Nguyễn Huệ, Nguyễn
Thiếp nêu ba lí do để từ chối: một là tài đức thua kém không sánh được với
Y Doãn, Khổng Minh; hai là gia đình neo đơn, phải lo việc tế tự; ba là tuổi
đã cao, sức đã yếu. Đồng thời xin trả lại tặng vật.
Sau lần mời không thành ấy, Nguyễn Huệ còn hai lần nữa cho người đưa
thư mời Phu Tử hoặc cử Thượng thư bộ Hình là Hồ Công Thuyên đích thân
lên đón ông. Lần nào Bắc Bình Vương cũng thiết tha mong Phu Tử xuống
núi để cùng lo giúp dân cứu nước. Song Nguyễn Thiếp vẫn vin cớ không ra,
cáo là vì “ốm yếu quanh năm, tự thân không cứu nổi mình thì cứu sao được
dân”.
Như vậy, so với Lưu Bị ba lần lên núi cầu kiến Khổng Minh về làm quân
sư, tấm lòng cầu hiền của Nguyễn Huệ không hề thua kém. Chính trong một
lá thư, ông cũng nhắc đến tích này và giải thích rằng mình ở quá xa núi
Thiên Nhẫn, không được gần như Lưu Bị từ Tân Dã đến Long Cương...