Nhưng nào đã yên. Thế rồi Nguyễn Hữu Chỉnh, vốn là tay tráo trở, ỷ thế
lộng hành, khiến cho Tây Sơn lại phải động binh, sai Vũ Văn Nhậm ra hỏi
tội. Vua Lê tưởng Chỉnh tài giỏi thế nào, nên đã dựa vào Chỉnh để chống lại
Tây Sơn. Nào ngờ chỉ một trận đã bị Nhậm đánh cho thua, để đến nông nỗi
Chỉnh bị bắt, vua Lê và bề tôi (còn lại được mấy người tâm phúc!) phải bỏ
Thăng Long chạy thoát thân. Ôi! Đến khi nào mới khôi phục được cơ đồ nhà
Lê? Đến bao giờ mới yên để ông lại được viết tiếp câu chuyện “Hoàng Lê”
của mình?...
Biết bao sự tiếc nuối đã theo Ngô Thì Chí ra đi. Thật tiếc cho ông, nhưng
cũng thật mừng cho tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí mà ông đã bắt đầu,
khi về sau trong dòng họ có những người tiếp nối ông hoàn thành cuốn sách,
một kiệt tác văn chương của dòng họ Ngô Thì mà cũng là của nước ta.
Trong số những người ấy có Ngô Thì Trí, em trai ông, người con thứ sáu của
Ngô Thì Sĩ. Ngô Thì Trí sinh năm 1766, kém Ngô Thì Chí 13 tuổi. Cũng
như các anh, Thì Trí lớn lên trong bối cảnh nhiễu nhương thời vua Lê chúa
Trịnh. Đến tuổi trưởng thành, ông ra làm quan cho nhà Lê Trung hưng, giữ
việc biên soạn, tu thư ở sử quán. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai.
Khác với anh Chí đi theo vua Lê, Ngô Thì Trí ở lại làm quan cho Tây Sơn.
Sau khi nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh tiêu diệt, ông về sống ẩn ở quê nhà.
Ngô Thì Trí viết không nhiều, để lại ít trước tác, nhưng là người có công lớn
với dòng họ Ngô Thì nói riêng và văn học nước nhà nói chung, khi đề
xướng và khởi công biên soạn các tác phẩm của dòng họ mình, trong đó có
Hoàng Lê nhất thống chí. Nhờ đó mà ngày nay nước ta còn lại được bộ Ngô
gia văn phái đồ sộ.