dám nhòm ngó nữa, cư dân Thanh Hóa, Nghệ An được yên ổn làm ăn. Hay
trong trận đánh tháng 12 năm 1589, ông “sai cởi trói cho 600 tù binh, vỗ về
yên ủi cấp cho cơm áo rồi thả hết về quê quán”. Trong lịch sử các cuộc nội
chiến ở nước ta, không phải bao giờ bên thắng cuộc cũng đối xử với quân
địch bị bắt như vậy.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết về Bình An
Vương Trịnh Tùng như sau: “Ông tính khoan hòa, yêu người, khéo vỗ về
tướng sĩ, dùng binh như thần. Ông thực sự làm chúa, cầm quyền chính, công
lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy...”. Không chỉ là người xác lập vị thế vững
chắc cho cơ nghiệp hơn hai trăm năm của họ Trịnh ở Đàng Ngoài, ông còn
xứng đáng được ghi nhận là đã “bày mưu đặt kế giữ yên xã tắc công lao tỏ
sáng giữa trời”, như sách xưa từng viết. Không tiếm ngôi vua Lê, giữ ổn
định thế “vua Lê chúa Trịnh” khiến trăm họ an tâm, triều đình, phủ liêu cùng
lo việc nước, gương ấy của Trịnh Tùng đã truyền mãi về sau cho các đời
chúa Trịnh noi theo.
Có thể, so với Tào Tháo ông không bằng về “tài” khuynh đảo thiên hạ, về
“mưu kế” gian hùng, song riêng về phẩm chất của người đứng mũi chịu sào
trước quốc gia, dân tộc, ông đáng được người sau kính nể, hay ít nhất cũng
phải nghĩ lại về những định kiến suốt một thời áp đặt cho ông cũng như
nhiều chúa Trịnh về sau...