Dưới triều Mạc Mậu Hợp, Mạc Kính Điển nhiều lần tấn công vào Thanh
Hóa, Nghệ An. Hầu như trận đánh nào vào Nghệ An cũng giành được thắng
lợi. Mỗi khi quân Mạc kéo đến, người xứ Nghệ đều chịu hàng phục. Nhưng
về sau Nguyễn Hoàng trấn thủ giữ vững Thuận Hóa, đánh trả, nhà Mạc phải
bỏ Nghệ An, chỉ còn giữ được Bắc Hà.
Bên phía Nam triều có Trịnh Tùng là một đối thủ xứng tầm nên vẫn giữ
được thế cân bằng với nhà Mạc. Tháng 10 năm 1580, Mạc Kính Điển mất
sau 34 năm phò giúp ba đời vua Mạc. Đôn Nhượng thay anh nắm quyền
bính, nhưng để thua trận liên miên. Đúng 10 năm sau, Trịnh Tùng kéo đại
quân ra Bắc đánh chiếm Thăng Long, tiêu diệt nhà Mạc.
∗
∗ ∗
Nhà bác học Lê Quý Đôn thời Hậu Lê có để lại bộ Đại Việt thông sử,
trong đó chép cả thời nhà Mạc. Theo quan điểm phong kiến chính thống,
ông gọi nhà Mạc là “ngụy triều”. Nhưng là nhà khoa học, ông thật khách
quan khi dành hẳn một mục về Mạc Kính Điển trong chương viết về thế thứ
các vua Mạc. Thậm chí ông đặt Kính Điển tương đương các vua Mạc, với
ghi chú là “Thân vương nhà Mạc, không xưng vua”. Lê Quý Đôn trân trọng
viết: “Kính Điển là người nhân hậu, linh mẫn, dũng cảm có thừa.”
Đại Việt sử kí toàn thư cũng ghi nhận: “Kính Điển là người nhân hậu,
dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan
nguy hiểm...” Thật khó có lời đánh giá tốt đẹp hơn đối với một “ông vua
không ngai” của “ngụy triều”.