Nhà Mạc và Thành Nhà Mạc
ăm 1592 nhà Mạc bị đánh bại ở Thăng Long. Vua Mạc Mậu Hợp
bị giết chết, tôn thất và quan lại chạy giạt khắp nơi. Mạc Kính Chỉ, con cả
của Khiêm Vương Mạc Kính Điển chiếm cứ vùng Đông Triều, xưng vua
được một thời gian thì bị Trịnh Tùng tiêu diệt. Danh tướng Mạc Ngọc Liễn,
tước Đà Quốc công tìm gọi các chi phái họ Mạc còn lại về tụ họp ở châu
Văn Lạn, Lạng Sơn để thống nhất lực lượng, tìm kế sách khôi phục nhà
Mạc. Mọi người đồng thuận chọn Mạc Kính Cung là con thứ của Mạc Kính
Điển lên làm vua. Đồng thời, theo lời khuyên của Trạng Trình, chọn đất Cao
Bằng làm nơi đóng đô.
Tháng Ba năm Quý Tị (1593) tại Nà Lữ, Cao Bình, đã diễn ra lễ đăng
quang của vua Mạc Kính Cung, đặt niên hiệu là Càn Thống năm thứ nhất.
Nhân dân vẫn còn tôn quý nhà Mạc nên kéo đến dự rất đông, cùng tung hô
vạn tuế.
Mạc Ngọc Liễn được phong Thái phó nắm việc quân cơ. Ông chủ động
đem quân đi đánh quân Lê Trịnh ở vùng Vạn Ninh (Quảng Ninh) để mở
rộng địa bàn. Nhưng giữa chừng thì Ngọc Liễn bị ốm nặng. Trước khi mất,
ông gửi cho Mạc Kính Cung một bức di thư, căn dặn mấy điều đại ý như
sau: “Nay nhà Lê dấy lên được, nhà Mạc ta thất thế, nhân dân nào có tội tình
gì đâu. Nếu ta tránh được can qua thì nên tránh để dân đỡ khổ. Nay lực
lượng ta đã hao mòn, nên ẩn nhẫn nuôi dưỡng sức để chờ đợi thời cơ.
Nhưng dứt khoát không được rước giặc Minh về để gây ra hậu họa làm cho
mất nước, dân chúng lầm than.”
Các nhà viết sử đời sau, kể cả thời Lê Trung hưng vốn coi nhà Mạc là
“ngụy triều” cũng phải khen ngợi tấm lòng yêu nước thương nòi của một vị
tướng nhà Mạc dù đang lúc thất thế.