Luân Quận công... Ông năm lần bảy lượt xin về trí sĩ nhưng nhà vua không
cho, ép phải ở lại tới năm 79 tuổi mới cho về. Chỉ mấy tháng sau ông mất.
Thời Mạc cũng nên nhắc tới một ông nghè khác nữa đó là Dương Văn
An, quê ở Quảng Bình, đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1547 đời Mạc Phúc Nguyên.
Ông đã để lại cho đời một cuốn địa phương chí tuyệt tác: Ô châu cận lục.
Đó là một tác phẩm có giá trị cả về khoa học và văn học. Sách gồm sáu
quyển, viết rất sống động về núi rừng, sông biển, sản vật, hoa trái, cầm thú,
phong tục tập quán xứ Thuận Hóa; kèm theo danh mục các phủ, huyện,
châu, xã là những mô tả về thành quách, chợ búa, trang trại, bến đò, danh
lam thắng cảnh, cùng tiểu sử của hơn một trăm nhân vật từ thời Lê Sơ đến
giữa thế kỉ 16: công thần, quan lại, những người đỗ đạt, sư tăng chân tu, phụ
nữ tiết hạnh...
Với tác phẩm này, Dương Văn An xứng đáng được xem là danh nhân văn
hóa thời Mạc.
Sau khi rút lên Cao Bằng, nhà Mạc vẫn tổ chức thi cử. Chính thời gian
này đã xuất hiện một nữ trạng nguyên duy nhất của nước ta.
Nguyễn Thị Duệ quê làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Từ
hồi thiếu nữ, cô đã nổi tiếng thông minh, tài sắc. Đến khi Trịnh Kiểm chiếm
Thăng Long, cô cùng gia đình chạy theo lên Cao Bằng. Năm 1594, Mạc
Kính Cung tổ chức khoa thi Hội vừa lúc Nguyễn Thị Duệ tròn 20 tuổi. Thời
phong kiến nước ta, đàn bà con gái không được học hành, thi cử, cô Duệ đã
giả trai đi thi và đỗ đầu (tương đương với Trạng nguyên). Khi nhà vua mở
yến tiệc thết đãi các tân khoa, thấy chàng thủ khoa trẻ tuổi, dáng thanh nhã,
xinh đẹp liền tỏ ý nghi ngờ. Tuy bị phát hiện là gái giả trai, nhưng Nguyễn
Thị Duệ không những không bị khép tội mà còn được vua ban khen, cho vào
cung dạy các cung phi. Sau bà được tuyển làm Tinh Phi, vì thế dân gian
quen gọi là Bà Chúa Sao (tinh trong tiếng Hán có nghĩa là sao).
Năm 1625, quân Lê Trịnh tiến vào Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị
Duệ chạy vào rừng nhưng không thoát. Bắt được bà, vua Lê chúa Trịnh
trọng người tài hoa, giữ bà ở trong cung dạy các cung tần mĩ nữ. Khi tuổi