31
Ở nơi sâu thẳm của ký ức
“Marcus ạ, chương đầu tiên là chương chính yếu của truyện. Nếu độc giả
không thích chương đầu thì họ sẽ không đọc phần còn lại. Anh tính sẽ bắt
đầu cuốn sách thế nào đây?
– Em không biết thầy Harry ạ. Thầy có nghĩ là một ngày nào đó em sẽ
làm được không?
– Làm được cái gì?
– Viết được một cuốn sách
– Chắc chắn rồi, Marcus ạ.”
Đầu năm 2008, khoảng một năm rưỡi sau khi trở thành thần tượng của
nền văn học nước Mỹ nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay, tôi rơi vào trạng thái
khủng hoảng trầm trọng gọi là hiện tượng trang trắng, tình trạng này hình
như không phải là hiếm xảy ra với các nhà văn đạt được thành công nhanh
chóng và rầm rộ. Căn bệnh này không đến bất ngờ: nó từ từ xâm chiếm tôi.
Cứ như thể bộ não tôi bị căn bệnh ăn mòn, dần dần càng ngày càng trơ lì.
Khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, tôi không hề muốn lưu tâm: tôi
tự nhủ rằng ngày mai, hay ngày hôm sau, hoặc thậm chí ngày hôm sau nữa
cảm hứng sẽ quay trở lại. Nhưng ngày này qua ngày khác, tuần này qua
tuần khác, tháng này qua tháng khác trôi đi mà cảm hứng vẫn chưa chịu
quay trở lại.
Quá trình sa vào địa ngục của tôi trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là
cú rớt thẳng đứng ngoạn mục, là sự suy thoái rành rành trước mặt: cuốn
tiểu thuyết của tôi bán được hai triệu bản, làm tôi thăng hoa ở độ tuổi hai
mươi tám, đứng vào hàng các nhà văn thành công. Đó là vào mùa thu năm
2006, trong vòng vài tuần, tôi đã khẳng định được tên tuổi của mình: ở đâu