Đến sau, quả nhiên con cháu của ông Ma Ha cư sĩ được vinh hoa phú quý,
hưởng lộc nước đời đời. Đó là mấy vật của ngài cho có hiệu nghiệm như
vậy.
Nhằm ngày mùng 3 tháng 3, năm thứ ba, niên hiệu Trịnh Minh, ngài không
tật bệnh gì cả, ngồi trên bàn thạch, gần nơi mái chùa Nhạc Lâm mà nhập diệt.
Nhắc lại khi ngài chưa nhập diệt, có ông Trấn Đình trưởng thấy ngài hay
khôi hài không lo sự gì cả, nên mỗi lần gặp ngài thì buông lời cấu nhục rồi
giựt cái túi vải mà đốt.
Hễ bửa nay đốt rồi, thì qua ngày sau ông Trấn Đình trưởng cũng thấy ngài
mang cái túi ấy như cũ. Ông nổi giận đốt cháy rụi luôn đến ba lần, cũng vẫn
thấy ngài còn mang cái túi vải đó.
Từ đó về sau, ông Trấn Đình trưởng lấy làm lạ, nên đem lòng khâm phục
ngài, không dám khinh dễ nữa.
Khi ngài nhập diệt, thì ông Trấn Đình trương lo mua quan quách mà tẩm liệm
thi hài, là cố ý chuộc lỗi của ông ngày trước. Nhưng đến chừng đi chôn, thì
người khiêng rất đông, mà cái quan tài lên không nổi.
Trong bọn ấy có một người họ Đồng, ngày thường tỏ lòng tôn kính ngài một
cách rất trọng hậu, nên thấy việc linh hiển như vậy, liền vội vã mua cái quan
tài khác, rồi liệm thi hài của ngài lại. Đến khi khiêng đi, thì số người cũng
bấy nhiêu đó, mà khiêng nhẹ phơi phới như bông. Ai nấy thấy vậy cũng đều
kinh sợ và cung kính.
Lúc đó các người trong quận thiết lập ra một hội rất lớn, xây tháp cho ngài ở
nơi núi Phong Sơn. Núi ấy toàn là đá lởm chởm, hòn cao, hòn thấp, trong
mấy hang đá đều là chỗ di tích của ngài còn lưu truyền lại, nào là chỗ để tích
trượng, nào là chỗ để bình bát, v.v...
Những chỗ sâu, chỗ cạn, chỗ lớn, chỗ nhỏ, hình tượng giống như cái bình
bát, đều có nước đầy hoài, dẫu cho trời đại hạn đi nữa, thì cũng chẳng có lúc
nào khô kiệt.
Thiệt là nhiều việc anh linh hiển hách vô cùng!
Hồi đời lục Triều, đức Di Lặc lại ứng tích làm phó đại sĩ ở tại chùa Song
Lâm một thời kỳ nữa.