Nguyễn Hiến Lê
Sử Trung Quốc
Chương III ( 2)
Họa Phiên Trấn
Họa phiên trấn
Từ thời Cao tôn, nhà Đường đã thường bị các rợ Đột Quyết quấy phá ở
biên giới. Tới đời Huyền tôn, phải bỏ chính sách trung ương tập quyền mà
tăng quyền cho các miền biên thùy, đặt ra 10 quan tiết độ sứ để phòng ngự
các rợ cho có hiệu quả[6]. Các tiết độ sứ được cấp nhiều binh lương, lại
được giữ quyền dân chính, tài chính, lần lần trở thành những quân phiệt
mạnh mẽ. Thời đó cơ hồ dân tộc Trung Hoa chưa có tinh thần quốc gia, coi
các rợ đã Hán hóa ít nhiều là người Hán, không phân biệt, nghi kị, mà
ngoại nhân nào được triều đình Hán dùng thì cũng tự coi mình là người
Hán. (Trong vụ loạn An - Sử, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đều là người Hồ,
ngoại nhân, Quách Tử Nghi là người Hán - cả ba đều là Tiết độ sứ - nhiều
tướng dưới quyền Tử Nghi cũng là Hồ).
Họ càng ngày càng lộng quyền, thu được thuế không nộp về triều đình mà
giữ lấy chi tiêu, đặc biệt là để nuôi quân lính họ tuyển. Có nơi họ truyền
chức cho con, không nhận tướng sĩ triều đình; có nơi lại giết cả chủ trấn mà
lên thay mà vẫn được triều đình phong quan tước cho. Từ 750, trung ương
không còn quyền hành gì cả, sinh ra cái nạn “trong nhẹ ngoài nặng”. Họa
An, Sử là một hậu quả của chế độ đó. Để dẹp loạn An, Sử, triều đình phải
nhờ quân Hồi Hột, cởi được họa này thì lại đeo cái họa khác. Quân Hồi Hột
không chịu rút về mà đều ở cả kinh đô, buộc Trung Hoa phải mua ngựa của
họ với một giá đắt và trả bằng tơ lụa. Triều đình phải nuôi chúng, và chúng
như làm chúa tể Tràng An, khi ở thì cướp bóc, khi rút lui thì vơ vét.
Nhưng ngoài việc dẹp loạn cho nhà Đường, Hồi Hột còn làm cái phên che
cho Trung Quốc, ngăn rợ Thổ Phồn. Khi họ bị nội loạn suy đi, thì Thổ
Phồn mạnh lên, làm khổ cho Trung Quốc hơn nữa. Khi Thổ Phồn vì nội
loạn mà suy đi thì rợ Nam Chiếu (ở Vân Nam ngày nay) nổi lên, hãm Giao
Chỉ, vây Thành Đô (Tứ Xuyên), xâm lược hoài. Các tiết độ sứ không hăng