Nguyễn Hiến Lê
Sử Trung Quốc
Chương 8 (4)
B. THỜI SUY: NỘI ƯU VÀ NGOẠI HOẠN
1. Nguyên nhân suy bại
Đời Càn Long nhà Thanh đạt tới mức cực thịnh, qua đời sau – Gia Khánh
bắt đầu suy. Một số học giả đưa ra những nguyên nhân dưới đây:
- “Thập toàn võ công” của Càn Long tốn kém quá, nhất là những trận dẹp
các rợ Đại Tiểu Kim Xuyên ở miền núi Tứ Xuyên – Vân Nam, trước sau
mất năm năm, tốn 70 triệu lạng bạc, bằng hai năm thu nhập của triều đình
Bắc Kinh, vì phải đem đại bác tới phá mấy ngàn đồn họ xây dựng trên
những ngọn núi cheo leo; rồi tới trận dẹp Népal quân Thanh từ Bắc Kinh
phải vượt dãy Hi Mã Lạp Sơn vào tận sào huyệt của họ.
Vì những “võ công” đó, Càn Long phải tăng thêm ngạch lính, tiền lương trả
quân đội tăng theo.
Lại thêm Càn Long ham xây cất nhiều cung điện lớn lao, lộng lẫy.
Do đó mà cuối đời Càn Long, quốc khố không còn dư.
- Đời Càn Long nạn tham ô lại đã lan tràn trong nước rồi, mà tên thủ phạm
Hòa Thân (coi trên). Gia Khánh lên ngôi, xử tử hắn, nhưng không dẹp hết
tham nhũng, không lấy lại lòng tin của dân, mà tinh thần chiến đấu của “Kỳ
binh” (quân Mãn Mông dưới các sắc cờ) cũng mất: họ chán nản vì kẻ chỉ
huy họ thông đồng với tay chân của Hòa Thân, ăn chặn lương của họ, ăn
cắp quân thu. Năm 1795, khi đảng Bạch Liên giáo (Đạo giáo pha Phật giáo)
nổi lên ở miền Tứ Xuyên, Hà Bắc, Thiểm Tây, Kỳ binh không dẹp nổi. Lần
đó là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ, họ tỏ ra bất lực. Càn Long lúc đó
đã già, nhường ngôi cho con là Gia Khánh (1796 – 1820) năm sau ông ta
chết. Mãi đến năm 1902, Gia Khánh mới dẹp được, quân nhu tốn đến hai
vạn vạn (200.000.000), giết hại đến 20 vạn người.
Sau loạn đó lại đến loạn Bát Quái giáo (cũng gọi là Thiên lý giáo) một chi
phái của Bạch Liên giáo. Nghĩa Hòa đoàn sau này cũng ở Bát Quái giáo mà
ra. Khẩu hiệu của họ là phản Thanh, tín đồ được mấy vạn, rải rác khắp các