Các đời vua sau, nhiều ông theo chính sách quí dân đó. Chẳng hạn như đời
Anh Tôn ( 1436 - 49), một viên tri phủ Tô Châu hết kỳ hạn ba năm ở nhiệm
sở rồi, theo lệ phải bổ đi nơi khác, nhưng hai vạn dân xin triều đình lưu ông
ta lại, ông ta khỏi bị đưa đi nơi khác mà được ở lại Tô Châu cho tới chết, dĩ
nhiên là vẫn chỉ làm tri phủ, nhưng cứ theo lệ được thăng phẩm trật.
Nhưng ông cũng như mọi ông vua khác, khi sáng lập triều đại mới rồi thì
bỏ phế chế độ triều đại cũ, cho rằng triều đại cũ bị diệt vong vì chế độ xấu
chứ không phải vì người xấu. Sự thực thì chế độ nào cũng có mặt trái,
người tốt thì bổ được mặt sở đoản của chế độ mà nước thịnh, người xấu thì
không biết dùng cái sở trường của chế độ mà càng mau suy. Chế độ không
quan trọng bằng con người.
Chu Nguyên Chương chắc không đọc sử nhà Hán mà cũng không đọc mấy
hàng này trong bài Thâm Tự Luận của Phương Hiếu Nhụ, một kẻ sĩ có khí
tiết đồng thời với ông: Hán thấy Tần cô lập mà tự răn mình, mới phong
khắp các con em làm chư hầu, cho rằng họ hàng thân thích với nhau thì có
thể kế tiếp nhau giữa xã tắc mà không sinh loạn, nhưng rồi bảy nước lại
tính cái mưu thoán thi " ( cướp ngôi và giết vua ). Vụ đó xảy ra đời Hán
Cảnh Đế, khoảng 40 năm sau khi Hán Cao tổ băng hà, bảy nước đó là bảy
chư hầu: Ngô, Sở , Triệu ...
Chu cũng thấy nhà Tống, nhà Nguyên cô lập mà mất, lại noi gương Hán,
theo chính sách của Hán, phong cho trên 20 người con ở các yếu địa, thành
các nước chư hầu:
Tấn, Yên, Sở , Hàn, Chu..... Họ được chuyên quyền trong nước họ, có
nhiều quân, làm phiên li che chở cho triều đình. Trong số đó thì yên Vương
là Lệ ở Bắc Kinh và Tấn Vương là Cang ở Thái Nguyên uy quyền rất lớn.
Và cái họa nồi da nấu thịt xảy ra bốn năm sau khi Chu Nguyên Chương
băng hà ( chứ không đợi đến 40 năm như đời Hán) .