Nguyễn Hiến Lê
Sử Trung Quốc
Chương 3
TRUNG HOA CỘNG SẢN
A- ĐẢNG VÀ HIẾN PHÁP NĂM 1954.
Thành phần của đảng
Năm 1927, sau khi các cuộc nổi dậy của thợ thuyền thất bại ở các thị trấn,
Mao Trạch Đông quyết dựa vào nông dân, vì theo ông, ở Trung Hoa nông
dân chiếm 80%-90% dân số, không có họ thì cách mạng không thể thành
công được. Thời đó ông nghĩ rằng lực lượng cách mạng phải gồm 70%
nông dân, 30% thị dân và quân đội.
Sau ông thấy chủ trương đó sai (khi in lại tác phẩm của ông, ông bỏ đoạn
đó đi). Không có thợ thuyền (vô sản) hướng dẫn thì nông dân không làm
được gì cả; mà thợ thuyền không có một tổ chức tiến bộ (1) - tức Đảng
Cộng Sản - hướng dẫn thì không thành công. Cho nên năm 1945 ông bảo
"Đảng cộng sản chúng tôi bao giờ cũng giữ quan điểm vô sản".
Năm 1949 khi cộng sản chiếm các thị trấn rồi, Ủy ban trung ương của Đảng
quyết định thay đổi trung tâm hoạt động của Đảng, rán tăng thành phần vô
sản lên. Năm 1954, riêng ở Thượng Hải - thành phố công nghệ lớn hạng
nhì ở Trung Quốc- có hàng ngàn thợ nhà máy được vô Đảng. Nhưng vai trò
của nông dân vẫn quan trọng. Những giai cấp khác mà "tiến bộ" , nghĩa là
chấp nhận quan điểm vô sản thì cũng được vô Đảng.
Qui chế
Qui chế của Đảng được vạch rõ năm 1956. Đại khái như sau:
Đại hội toàn quốc được bàn trong kỳ hạn 5 năm, và theo lý thuyết, mỗi năm
họp một lần để quyết định chính sách, đường lối của Đảng. Đại hội bầu uỷ
ban trung ương - cũng trong 5 năm gồm 98 uỷ viên chính thức và một số dự
khuyết. Chủ tịch là Mao Trạch Đông.
Ủy ban trung ương lại bầu " bộ chính trị" gồm 19 uỷ viên. Bộ này quyết
định về hoạt động của Đảng và đời sống của toàn quốc.
Bộ lại cử ra bảy uỷ viên đứng đầu vào uỷ ban thường trực của bộ. Họ có