nghiệp được khuyến khích bày tỏ nghi ngờ. Westen thận trọng: “Dù đã có
những biện pháp bảo vệ, các nhà khoa học vẫn thường chịu ảnh hưởng của
khuynh hướng khẳng định, nhất là khi người thẩm định và tác giả đồng
quan điểm với nhau. Các nghiên cứu cho thấy họ sẽ đánh giá cùng một
công trình nghiên cứu là đạt yêu cầu hay chưa đạt yêu cầu dựa trên các kết
quả phù hợp với niềm tin trước đó của họ.” Nói cách khác, nếu bạn không
tìm kiếm các dữ liệu trái với lý thuyết hoặc niềm tin của bạn, sẽ có người
khác làm với niềm hân hoan trên một diễn đàn công cộng với mục đích
nhạo báng.
***
Trong cuốn sách xuất sắc viết năm 2000, Sai lầm về tiền bạc của những
người thông minh, nhà tâm lý học nhận thức Thomas Gilovich tại Đại học
Cornell và tác giả chuyên viết về lĩnh vực tài chính Gary Belsky đã nghiên
cứu những điểm mấu chốt của kinh tế học hành vi trong lĩnh vực kinh
doanh tài chính. Với dáng người mảnh khảnh, gương mặt ưa nhìn, luôn tỏa
ra sự quý phái của trí tuệ và bản lĩnh khoa học, Gilovich không chỉ là một
trong những nhà thực nghiệm sáng tạo nhất trong môn tâm lý học hiện nay
mà còn là một người có tư duy liên khoa học, sẵn sàng ứng dụng các kết
quả nghiên cứu về tâm lý học nhận thức vào các lĩnh vực khác.
Tiến hành thí nghiệm trên các sinh viên ngành tâm lý ở trường đại học là
một chuyện, nhưng con người có thực sự hành xử như vậy trong thực tế
không lại là chuyện khác. Theo Gilovich là có. Khi xem xét xu hướng đánh
giá quá cao chi phí chìm của chúng ta, ông chỉ ra hiệu ứng ngại tổn thất,
theo đó nỗi lo sợ mất mát của con người cao gấp hai lần ham muốn đạt
được.
Chẳng hạn, nhưng tay cờ bạc cực kỳ nhạy cảm với tổn thất, nhưng không
phải theo cách bạn nghĩ. Càng đen đủi họ càng đặt cược nhiều, nhưng sau
khi thắng một lần, họ trở nên thận trọng hơn và đặt cược ít hơn. Lý do cơ
bản là chiến lược “gấp đôi để đuổi kịp” – dù bạn có thua bao nhiêu ván liên