Lời kết
MỞ CỬA THẾ GIỚI
Trong tác phẩm vĩ đại về sức mạnh của trí tuệ và thị trường tự do, Hành vi
con người, nhà kinh tế học người Áo Ludwig von Mises nhận định: “Chủ
nghĩa tư bản không chỉ gia tăng dân số mà còn nâng cao mức sống của con
người theo một cách thức chưa có tiền lệ. Không một tư tưởng kinh tế hay
kinh nghiệm lịch sử nào cho thấy có hệ thống xã hội nào đem lại lợi ích cho
quảng đại quần chúng nhiều hơn chủ nghĩa tư bản. Các kết quả tự nói lên tất
cả. Nền kinh tế thị trường không cần người biện hộ hay tuyên truyền. Nó tự
tuân theo những lời trên bia mộ Ngài Chistopher Wren tại Nhà thờ Thánh
Paul: “Si monumentum requires, circumspice.” Nếu muốn tìm lăng mộ của
ông, hãy nhìn xung quanh.
Chủ nghĩa tư bản không cần người biện hộ hay tuyên truyền nhưng nó cần
một nền tảng khoa học dựa trên cơ sở tâm lý và tiến hóa như tôi đã trình
bày trong cuốn sách này. Giờ đây tôi muốn hướng về tương lai.
Nhiều năm nay, tôi tham gia một tổ chức có trụ sở tại Seattle mang tên Nền
móng cho Tương lai do doanh nhân hảo tâm Walter Kistler sáng lập. Một
nhóm khoa học gia và học giả gặp gỡ hàng năm để thảo luận về cuộc sống
năm 3000 bên cạnh nhiều đề tài lớn lao khác. Đây quả là một cách thư giãn
cuối tuần thú vị nhưng tôi chưa từng nghĩ có ai trong số chúng tôi biết mình
đang nói gì khi suy ngẫm về cuộc sống 1000 năm sau. Nếu như vào những
năm 1980, đa số các chuyên gia về Liên Xô không ngờ rằng liên bang này
sẽ sụp đổ ngay cuối thập niên và đa số các chuyên gia về máy tính khi đó
cũng không hề biết Mạng Toàn Cầu sẽ ra đời, làm sao có thể lường được
những thay đổi sẽ diễn ra sau một thiên niên kỷ nữa?