Chúng ta khó hình dung những thay đổi dài hạn về kinh tế, chính trị vì đã bị
câu thúc trong các thể chế chính trị với nền kinh tế được chỉ huy từ trên
xuống trong suốt hàng nghìn năm, do đó việc mường tượng các mối quan
hệ giữa người với người sẽ phát triển hòa bình trong một hệ thống xã hội
khác với hệ thống chúng ta đã biết gần như bất khả thi. Do khuynh hướng
giữ nguyên hiện trạng, tạo hóa đã khiến con người giữ chặt những gì thuộc
về mình và lựa chọn bất cứ thứ gì quen thuộc. Song, chiếc đồng hồ lịch sử
và quá trình tiến hóa lâu dài cũng cho chúng ta cơ hội lùi lại để ngắm nhìn
bức tranh rộng hơn thể hiện ý nghĩa của việc nghiên cứu về thị trường, tâm
hồn và đạo đức đối với sự nghiệp giải phóng loài người.
***
Chúng ta bắt đầu cuốn sách này bằng vấn đề thực sự khó khăn: giải thích
bước nhảy vọt của nền kinh tế từ săn bắt-hái lượm thành tiêu dùng-thương
mại. Nhờ các công cụ và số liệu khoa học của lý thuyết phức hợp, sinh học
tiến hóa, tâm lý học hành vi và thần kinh học, chúng ta thấy nền kinh tế là
một hệ thống thích nghi phức tạp luôn thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp
với hoàn cảnh trong quá trình tiến hóa từ hệ thống giản đơn hơn; và việc
con người sống 90.000 năm đầu lịch sử như những người săn bắt-hái lượm
đã tạo ta một tâm lý khiến chúng ta hành xử bất hợp lý trong 10.000 năm
sau, khi xảy ra bước nhảy vọt.
Người khuyến khích tôi tìm hiểu sâu hơn về các động lực dẫn tới sự thay
đổi kinh tế này là Jared Diamond, học giả đa ngành thú vị nhất tôi từng biết.
Với dáng người nhỏ nhắn, giọng nam trung âm vang và phong thái trình
bày lưu loát khiến người nghe phải tiên đoán về vấn đề tiếp theo, ẩn sau bề
ngoài và cử chỉ giản dị ấy là chiều sâu của tư duy và chiều rộng của tri thức,
những thứ cần thiết để giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử
có liên quan tới mục đích chung của cuốn sách này: lý giải cách thức những
người săn bắt-hái lượm trở thành những người tiêu dùng-thương nhân. Bí
ẩn đó là đây: