485
12. Niết Bàn
Niết Bàn (Nibbāna) là mục đích tối thượng của
hành giả tu hành theo Phật giáo. Niết Bàn là trạng thái
tận diệt mọi phiền não, đạt được niềm hạnh phúc tối
thượng, an lạc vô điều kiện. Có 2 loại Niết Bàn chính:
- Niết Bàn Hữu Dư: Trạng thái tận diệt một phần hay
toàn bộ phiền não, nhưng vẫn còn ngũ uẩn như khi
các Bậc Thánh (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm,
A La Hán, Phật Độc Giác, Phật Toàn Giác) còn tại thế.
- Niết Bàn Vô Dư: Tất cả phiền não và ngũ uẩn đều
tiêu hoại hoàn toàn như khi chư Phật Toàn Giác,
Phật Độc Giác và A La Hán nhập diệt.
13. Ngũ Uẩn
Năm yếu tố tạo thành con người bao gồm toàn bộ
thân tâm: Sắc thuộc về thân và Thọ, Tưởng, Hành, Thức
thuộc về tâm. Ngũ uẩn chịu chi phối bởi 4 yếu tố như
Nghiệp, Tâm, Vật thực và Thời tiết nên có đặc tính là
Khổ não, Vô thường và Vô ngã.
- Sắc: Thân do Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành.
- Thọ: Cảm giác trên thân và cảm xúc trong tâm.
- Tưởng: Sự nhận biết, phân biệt mọi sự vật, hiện
tượng khi Lục căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) tiếp
xúc với Lục trần (Sắc, Thanh, Mùi, Vị, Xúc, Pháp).
- Hành: Sự phản ứng, tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý
- Thức: Sự hay biết đối tượng đơn thuần, xuất hiện
khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần tương ứng, đó là
Lục thức: Thấy (Nhãn thức), Nghe (Nhĩ thức), Ngửi
(Tỷ thức), Nếm (Thiệt thức), Xúc chạm (Thân thức) và
Suy nghĩ (Ý thức).