Rồi bà tử tế hơn nữa kia. Từ hôm sau, bà nuôi một thằng nhỏ, để hầu
hạ thay cho Đức. Mà cứ tối tối bà tự tay thắp đèn cho Đức học. Thỉnh
thoảng, bà lại quên hẳn chuyện trước mà khuyên rằng:
- Phải chăm mà học mới được, anh ạ. Lúc bé, nếu không chịu vất vả
một tí, thì lúc lớn sẽ thấy vất vả bằng mười. Vặn đèn to lên mà học chứ. Để
bé thế này hại mắt anh ạ.
Tấm lòng của bà chủ thế nào, Đức hiểu hết. Song Đức không muốn
nói ra, vì dù thế nào mặc dầu, Đức cũng phải biết ơn bà ấy. Bà ấy đã cho
Đức ăn chịu mấy tháng để có chỗ mà học.
Vả lại Đức, nào đã khỏi được nỗi lo! Tháng sau, Đức lấy gì mà đưa bà
chủ? Người nào đó, vì tử tế mà cho tiền, bất quá một lần là cùng. Chứ ai
phí của lại làm phúc kín đáo như thế mãi được.
Ra trường, Đức hớn hở vui đùa. Anh em bạn chế nhạo, Đức chỉ đáp lại
bằng nụ cười mỉm. Nhiều anh thách Đức đọc bài thi, Đức chỉ lắc đầu, vờ
không thuộc, hoặc làm bộ ấp úng, để các bạn cười ồ.
Nhưng khi vào lớp, cả từ thầy cho đến bạn, ai cũng phải ngạc nhiên vì
Đức đọc trơn một cách không ngờ. Anh em thì thào:
- Hôm nay trời đi vắng.
Thầy cũng tủm tỉm khen:
- Nếu bận sau, anh cứ làm việc chăm chỉ, thì anh sẽ không đóng vai hề
như mọi ngày nữa.
Đức hớn hở về chỗ ngồi, như người đã trả được mối thù lớn vậy.
Trước, bà chủ hay hành hạ, thầy giáo bắt đầu ghét bỏ, anh em bạn
quen thói bắt nạt. Nay tự nhiên mọi người đều xử với Đức khác hẳn lại.