- Bà cũng phúc đức rỏm lắm. Hơi đâu mà nuôi báo cô nó mãi. Rồi nó
lấy xác nó ra mà trả bà à?
Nghe đến câu ấy, bây giờ Đức càng thấy sợ. Nếu Đức muốn ngày sau
nên người, thì còn phải theo đuổi sự học, muốn theo đuổi sự học, trước hết
phải lo món tiền ăn. Vậy lấy đâu mà trả trọ?
Hôm cuối tháng, trước khi đi chợ, bà chủ gọi Đức và dặn:
- Hễ ở nhà anh có ai đến, thì cố giữ lại chơi với tôi nhé.
Đức vâng, nhưng bồn chồn cả người, lo lắng quá.
Quẩn quanh, Đức quyết đến chiều, lại khít với bà chủ vậy. Hoặc nếu
bà chủ có đuổi thằng nhỏ đi, mà bắt Đức thay nó, Đức cũng đành lòng chứ
biết làm thế nào! Nếu cùng lắm, Đức thú thực tình cảnh, xin bà thương
tỉnh, vừa làm con nuôi, vừa làm đứa ở, đổi công việc lấy bát cơm để lấy
chỗ mà học vậy.
Buổi giờ ra chơi, Đức bơ phờ, buồn bã. Anh em bạn vui vẻ chuyện trò
nhưng Đức cứ đứng thần người ra góc trường.
Lúc nào cũng vậy, Đức ngồi khoanh tay nhìn vào sách, nhưng trí vẩn
vơ.
Đức trông thấy ngày mai. Cái ngày mai ác tợn, nó biết cầm roi, nó biết
phạt quỳ, nó biết chế nhạo.
Buổi chiều, bà chủ lạt lẽo, hỏi:
- Sao? Anh Đức? Thế hôm nay không có ai đến thăm anh à?
Bẽn lẽn, Đức đáp khẽ:
- Vâng.