- Thành ra bây giờ tôi thương thằng Phú bội phần. Tôi biết rằng nó lập
công để chuộc tội với lương tâm. Bây giờ nó đã biết nghĩ. Nó làm quyển
sách này, được người ta khen ngợi. Thế mà giá nó lại ở nhà, có phải là
mình được sung sướng biết bao nhiêu không?
Nói xong, bà rơm rớm nước mắt. Ông giáo không thể giấu được nỗi
lòng nữa, cũng nói:
- Phải, vả cuối tháng này em Mai nó thi ra. May nhờ trời đỗ được, thì
gia đình mình còn mong hạnh phúc nào hơn được nữa!
Nhưng mà ở đời cái vui bao giờ cững thoáng qua mà thôi. Chỉ cái
buồn mới luôn luôn làm bận lòng người ta. Nghĩ đến con trai làm việc ích
cho đời, nghĩ đến con gái nay mai đỗ đạt, ông giáo và bà giáo chỉ quên nợ
được một lát mà thôi.
Mà mỗi ngày qua, mối buồn càng khổ gỡ. Nó như bị chất đống lên to
dần, ngổn ngang trong dạ.
Trước thì hàng tháng, sau thì hàng tuần, nay thì hàng ngày, thì giờ như
đưa ông giáo Chính và bà giáo Chính đến gần dần cái cảnh cơ nghiệp tan
tác.
Rồi sau hết, có một đêm, trằn trọc mãi không ngủ được, ông giáo bèn
mở cửa, bắc ghế ngồi ở hiên để nghĩ ngợi. Nhưng hết ngồi lại đứng, hết
đứng lại ngồi, chốc chốc vùng dậy, ông lại đi bách bộ. Xung quanh ông,
cảnh tối tăm man mác, làm cho ông rùng rợn sực nghĩ đến nỗi sau này mà
kinh. Một là bị cái lụy đi vay, hai là bị cái nhục mất nhà, ba là bị cái khổ
ngồi tù. Ông đắn đo, suy nghĩ. Ông chỉ muốn làm thế nào cho vuông tròn
tiếng tăm. Đi vay, hẳn không có ai đủ sức giúp được ông. Mất nhà, vậy suốt
đời ông bị đau đớn. Ở tù, thế thì xấu hổ, khổ sở gì cho bằng!
Đâm liều, ông mới lẩn quẩn mà lẩm bẩm: "Chỉ còn một kế nữa, ta có
thể tránh được nỗi khó khăn, là ta tránh cõi trần. Ta tự tử là thoát hết nợ".