- Ta đến phải bán nhà ở bên quê đi mất. Mà có lẽ họ định lấy nhà của
ta. Khốn nạn! Nhà là của ông cha để lại. Thật là một vật đáng quý. Ông cha
ta, mồ hôi nước mắt mới mua được từng ấy đất, dựng được mấy nếp nhà
rộng rãi, đẹp đẽ. Thế mà đến nay, mình không những không thể làm cho nó
đẹp đẽ, rộng rãi hơn, lại để cho người ngoài chiếm đoạt mất. Xấu hổ quá!
Nhục nhã quá!
Nghe ngần ấy lời, bà giáo rưng rưng nước mắt, rồi gục đầu, vừa khóc
vừa nói:
- Nhà ta vô phúc quá! Giá thằng Phú nó như người ta, chịu khó chăm
chỉ thì bây giờ ta được an nhàn, sung sướng biết bao nhiêu! Ngờ đâu nó dại
dột, đến nỗi ngần ấy tuổi đầu còn để khổ cho cha mẹ. Nó ở xa, nó đi vắng,
nó có biết đâu những lúc cha mẹ nó bị đau đớn như thế này!
Rồi hai vợ chồng chuyện trò mãi. Sau cùng, ông giáo cố lo tiền cho bà
giáo lên Hà Nội để khất lại người chủ nợ thêm mấy tháng nữa.
Nhưng chủ nợ chẳng nể lời bà giáo, cứ khăng khăng một mực dọa
kiện. Họ định bụng lấy nhà, thì dại gì chịu bỏ phí dịp tốt. Bà giáo đến chơi
những chỗ họ hàng và bạn bè giàu có để thử hỏi vay nhưng chẳng may
không ai có sẵn tiền cả.
Không còn kế gì khác, bà giáo đành phải về không, chịu chờ đến ngày
khổ nhục vậy.
Song mỗi ngày qua, cái buồn nó lại ray rứt ông giáo và bà giáo hơn
lên. Nhưng hễ cứ buổi chiều thì bà giáo lại nhớ đến Phú mà khóc. Bà khóc
lắm, đến nỗi sinh ra đau mắt.
Ông giáo thì gan hơn, chỉ ngậm ngùi một mình, chớ không hề than vãn
với ai một lời. Ông đành giương mắt ngồi nhìn cho cái việc đời nó qua một
cách tàn nhẫn.