1. LỜI NÓI ĐẦU
Mới nhìn thì sự đối lập giữa tâm lí cá nhân và tâm lí xã hội (hay tâm
lí đám đông) có vẻ như sâu sắc, nhưng xét cho kĩ thì tính cách đối lập sẽ
bớt đi nhiều. Tuy khoa tâm lí cá nhân đặt căn bản trên việc quan sát các cá
nhân riêng lẻ, nó nghiên cứu các phương thức mà cá nhân theo nhằm đáp
ứng các dục vọng của mình; nhưng thực ra chỉ trong những trường hợp hãn
hữu, trong những điều kiện đặc biệt nào đó nó mới có thể bỏ qua được quan
hệ của cá nhân với tha nhân. Trong tâm trí của cá nhân thì một cá nhân
khác luôn luôn hoặc là thần tượng, hoặc là một đối tượng, một người hỗ trợ
hay kẻ thù và vì vậy mà ngay từ khởi thủy khoa tâm lí cá nhân đã đồng thời
là khoa tâm lí xã hội theo nghĩa thông dụng nhưng rất đúng này.
Thái độ của cá nhân đối với cha mẹ, anh chị em, người yêu, thày
thuốc nghĩa là tất cả các mối liên hệ của cá nhân mà cho đến nay đã là các
đối tượng nghiên cứu chủ yếu của môn phân tâm học có thể được coi là
những hiện tượng xã hội đối lập với một vài tiến trình khác mà chúng tôi
gọi là ngã ái (narcissistic) trong đó việc đáp ứng các dục vọng không dựa
vào tha nhân hoặc tránh tha nhân. Như vậy, sự đối lập giữa hoạt động của
tâm thần xã hội và tâm thần ngã ái – Bleuer có lẽ sẽ nói là tâm thần tự kỉ
(autistic) - là thuộc lĩnh vực của khoa tâm lí cá nhân và không thể là lí do
để tách tâm lí cá nhân khỏi tâm lí xã hội hay tâm lí đám đông.
Trong các mối quan hệ nêu trên của cá nhân đối với cha mẹ, anh chị
em, người yêu, thày thuốc, cá nhân chỉ chịu ảnh hưởng của một người hay
của một nhóm người hạn chế, mỗi người trong số họ đều có tầm quan trọng
đặc biệt đối với cá nhân đó. Khi nói đến tâm lí xã hội hay tâm lí đám đông
người ta thường không để ý đến các mối liên hệ đó, mà người ta coi đối
tượng nghiên cứu là ảnh hưởng đồng thời của một số lớn tha nhân đối với
một cá nhân mà anh ta có quan hệ ở một phương diện nào đó trong khi
trong những phương diện khác anh ta có thể hoàn toàn xa lạ với họ. Như
vậy nghĩa là môn tâm lí đám đông nghiên cứu từng cá nhân riêng biệt khi
họ là thành viên của một bộ lạc, của dân tộc, đẳng cấp, thể chế xã hội nhất