Tập 2 - Các quan điểm và đức tin của đám đông
Chương 1: Những động lực từ xa của các đức tin và quan điểm của đám
đông
Cho đến đây chúng ta đã nghiên cứu về trạng thái tinh thần của đám
đông. Chúng ta đã biết về cách họ cảm nhận, suy nghĩ, và cách họ rút ra kết
luận. Bây giờ chúng ta muốn xem, quan điểm, đức tin của họ đã hình thành
và được củng cố vững chắc bằng cách nào. Có hai kiểu động lực khác nhau
quyết định các quan điểm và đức tin đó: đó là các động lực trực tiếp và các
động lực gián tiếp.
Các động lực gián tiếp tạo cho đám đông khả năng tiếp nhận những đức
tin nhất định nào đó và ngăn cản sự thâm nhập của các đức tin khác. Nó
chuẩn bị mảnh đất, trên đó người ta thấy những ý tưởng bất chợt nhú lên, sức
mạnh và tác động của chúng làm cho ta ngạc nhiên, nhưng đó chỉ là có vẻ
như bất chợt. Sự bộc phát và trở thành hiện thực của các ý tưởng nào đó
trong đám đông thường thể hiện một cách đột ngột nhanh như chớp. Tuy
nhiên đó chỉ là tác động bề mặt, những gì đằng sau nó thường là cả một công
việc chuẩn bị lâu dài.
Những công việc lâu dài này, nếu không có chúng các ý tưởng sẽ mãi là
vô dụng, đứng bên trên chúng là những động lực trực tiếp. Các động lực trực
tiếp truyền sự sống cho niềm tin của đám đông - nghĩa là cung cấp cho ý
tưởng hình dạng của nó và giải phóng nó cùng với tất cả những hậu quả của
nó. Những động lực trực tiếp này là cơ hội để hình thành những quyết định
dẫn đến sự nổi dậy một cách bùng phát của một tập thể - từ đó dẫn đến nổ ra
sự nổi loạn hoặc một quyết định đình công, sự nổi dậy này sẽ đưa một con
người nào đó vào vị trí quyền lực được đa số nhất trí hoặc nó sẽ hạ bệ một
chính phủ. Trong tất cả các sự kiện lớn của lịch sử người ta có thể nhận thấy
những tác động không ngừng của hai loại động lực này. Một trong những ví
dụ rõ ràng nhất người ta có thể lấy ra, đó chính là cuộc cách mạng Pháp,
động lực gián tiếp của nó là những phê phán của giới trí thức và sức ép của
giới quý tộc. Những tâm hồn của đám đông được chuẩn bị như vậy, cho nên
rất dễ bị khích động bởi những động lực trực tiếp, ví dụ như những lời hiệu
triệu của các nhà diễn thuyết và sự phản kháng của triều đình chống lại cả