Từ khi phôi thai học chỉ ra những ảnh hưởng vô cùng lớn của quá khứ
vào sự phát triển của sinh vật, các nhà sinh vật học đã đổi hướng, và các nhà
sử học cũng sẽ làm như vậy, nếu như những tư duy kiểu này tiếp tục lan
rộng. Hiện giờ nó vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, và nhiều nhà
lãnh đạo quốc gia do đó vẫn còn dừng lại ở những quan điểm lý thuyết của
thế kỷ trước, họ tin rằng, một xã hội có thể tách rời khỏi quá khứ của nó và
có thể tự đổi mới từ gốc mà chỉ cần duy nhất dựa vào lý trí.
Dân tộc là một cơ thể sinh học được tạo nên từ quá khứ. Như tất cả các
cơ thể khác nó chỉ có thể tự thay đổi qua quá trình tích lũy từ từ những yếu
tố di truyền.
Những người lãnh đạo thực sự của một dân tộc chính là các truyền
thuyết; và như tôi đã nhiều lần nhắc đến, chỉ có những hình thức bên ngoài
mới dễ thay đổi. Không có truyền thuyết, có nghĩa là không có tâm hồn, sẽ
không thể có văn hóa. Sở dĩ như thế bởi vì, loài người, từ khi nó xuất hiện
trên thế giới này, có hai nhiệm vụ vĩ đại là tạo nên một mạng lưới những
truyền thuyết và xóa bỏ chúng khi đã hết tác dụng. Không có nền văn hóa
nào lại không có những truyền thuyết gắn chặt với nó, và không có sự xóa bỏ
chúng một cách từ từ sẽ không thể có tiến bộ. Khó khăn ở chỗ, là tìm được
điểm cân bằng giữa bảo tồn và thay đổi. Đây cũng là một điều nan giải. Nếu
một dân tộc có nhiều dòng họ kiên quyết bám giữ lấy những thói quen, như
thế không thể nào có sự thay đổi, nó giống như Trung quốc, sẽ không có khả
năng trở nên hoàn thiện. Ngay cả những thay đổi bằng vũ lực cũng không có
tác động gì, bởi vì sau đó hoặc là những mắt xích bị giằng đứt sẽ được chắp
nối trở lại và quá khứ sẽ quay về địa vị thống trị một cách không thay đổi
như trước đây hoặc là những mảnh đứt sẽ nằm riêng rẽ để rồi chẳng bao lâu
sau chúng biến dạng thành một sự hỗn loạn.
Như vậy nhiệm vụ của một dân tộc là phải giữ gìn những cái đặc trưng
của quá khứ bằng cách dần dần thay đổi chúng. Dân La mã cổ đại và dân
Anh hiện thời có lẽ gần như là những dân tộc duy nhất đã thực hiện được
nhiệm vụ này.
Chính những đám đông, và cụ thể là những đám đông được hợp thành từ
các giai cấp, là những kẻ bảo vệ một cách kiên trì nhất những ý tưởng được
lưu truyền và chống lại sự thay đổi các ý tưởng đó một cách ngoan cố nhất.
Tôi đã đề cập đến tính bảo thủ của đám đông và đã chỉ ra rằng, nhiều cuộc