bọc lót chân, và rất có ý thức xóa sạch dấu vết; hai là, mỗi lần gây án
hung thủ đều mang theo công cụ, ví dụ két sắt, túi nước, thùng nước,
thùng xăng… và hình như hắn đi xe cơ động đến hiện trường gây án; ba
là, một vài công cụ phạm tội có tính tương đồng. Trong vụ án mạng ở
khu chung cư Phú Dân và vụ đốt nhà ở khu Hoa Thành, hung thủ đã
dùng thuốc để gây mê nạn nhân, và dùng băng keo màu vàng (hoặc
tương tự) để trói chân tay nạn nhân. Một điểm đáng chú ý là trong vụ án
mạng ở trường trung học số 47, hung thủ dùng gậy gỗ đánh nạn nhân
ngất xỉu, không thể chống cự, còn hai vụ sau thì lại dùng thuốc mê. Điều
này chứng tỏ rằng trong quá trình gây án, hung thủ có cân nhắc lại về
mức độ rủi ro và hệ số tin cậy của thủ đoạn gây án, hắn đã có ý thức
"nâng cấp", và sử dụng cách thức có hiệu quả và an toàn cho mình hơn.
Điểm cuối cùng: trong cả ba vụ án, hung thủ đều dùng các trình tự hoàn
toàn không cần thiết để hoàn thành việc giết người. Phân tích dựng lại
hiện trường cho thấy, trước khi bắt nạn nhân phải nhận cái chết, hung thủ
đều đã triệt để khống chế nạn nhân, sau đó hắn có thể giết họ dễ như trở
bàn tay; nhưng hắn lại có thể chấp nhận mạo hiểm dừng ở hiện trường
một thời gian khá lâu (rất dễ bị lộ hành vi gây án), và hắn rất tốn sức tốn
thì giờ để bố trí các "nghi thức" cực kỳ phức tạp rồi mới giết nạn nhân.
Và thế là Ngụy Minh Quân bị buộc phải dùng máu của mình làm mực để
giải các bài tập toán hòng có được mật mã két sắt; Khương Duy Lợi phải
trở lại "tử cung" rồi chết trong "nước ối", thực thi câu nói ngông cuồng
"coi như bà chưa từng đẻ ra tôi" của mình; còn Ngô Triệu Quang thì gần
như tái hiện hoàn chỉnh cả quá trình chị Hầu Vĩnh Mai bị chết cháy. Ba
hiện trường có "nghi thức" này truyền đạt một thông tin là, những nỗi
đau mà những người này từng gây cho người khác thì chính mình sẽ phải
chịu đựng trọn vẹn. Một gã hung thủ có đầu óc suy nghĩ chặt chẽ như thế
tất nhiên sẽ biết rằng: càng hoạt động nhiều ở hiện trường thì độ rủi ro để
lại dấu vết và vật chứng sẽ càng lớn. Nhưng hắn vẫn quyết làm như thế
nhằm thực hiện ý nguyện mạnh mẽ là thông qua đó để thực hiện cái gọi
là "công bằng". Nói cách khác, nếu chỉ đơn giản là giết ba người này thì
chưa thể thỏa mãn nhu cầu của hắn. Mục tiêu của hắn đương nhiên là bắt
họ phải chết nhưng hung thủ coi trọng cách thực hiện cái chết hơn là kết
quả đơn thuần. Thông qua các nghi thức rất đậm lý thuyết định mệnh và