cũng là công khai thông báo cho cảnh sát biết vị trí gây án. Hắn làm thế,
một là hắn rất tin rằng cảnh sát không thể kịp thời gỡ bỏ vật liệu nổ, hai
là, hắn cũng muốn để cho cảnh sát đứng trơ mắt ra mà nhìn công trình
bảo vệ Nhậm Xuyên đã tổn hao tâm trí của mình, bị đập tan.
Lần này, các hành động bảo vệ của cảnh sát đã hoàn toàn thất bại.
Không những Ánh sáng thành phố vẫn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật,
mà Nhậm Xuyên còn bị tan xác trước sự chứng kiến của đông đảo dân
chúng.
Theo cách nói của sếp trưởng khu công an thì: ngày 29 tháng 11 là
một ngày nhục nhã của cảnh sát thành phố C.
Tuy nhiên, còn có thứ cảm giác nặng nề hơn cả nhục nhã, đó là sự
bất lực đắng cay.
Kết quả điều tra cho thấy, sau khi Ánh sáng thành phố công bố
ngày gây án, thì ngày 29 tháng 11 trở thành ngày mà cư dân mạng ngày
đêm ngóng chờ, đông đảo mọi người hẹn nhau lên mạng để xem cái chết
thê thảm của một quan tòa vô lương tâm, họ khát khao hơn cả chờ xem
cup bóng đá thế giới! Trong ngày hôm đó có đến mấy trăm ngàn người
lên mạng chờ xem diễn biến của vụ giết người do Ánh sáng thành phố ra
tay, thậm chí có một số người đã chầu chực cả ngày và không ngừng cập
nhật các trang mạng. Quan sát các lời bình luận, thấy rằng tuyệt đại đa số
tâm trạng mọi người là hiếu kỳ, hả hê khoái trá thậm chí là trầm trồ. Sau
khi mục thu phát trực tiếp cảnh giết người mà Ánh sáng thành phố tung
lên mạng, lượng truy cập của thành phố bỗng chốc trở lên đỉnh điểm. Có
người không thể chờ để về nhà xem, mà rẽ luôn vào quán Nét gần đó để
xem.
Điều khiến cho cư dân mạng càng hưng phấn một cách vô cớ hơn
nữa chính là họ bỗng nhiên biến thành người nắm quyền phán xét sinh tử
của người khác. Và thế là những người vốn dĩ sống rất thận trọng rụt dè,
luôn bị ràng buộc đã nấp đàng sau ID của mình, khoái trá xả ra bằng hết
mọi nỗi bất mãn và căm tức trong cuộc sống thường ngày.