Không thể nào. Câu hỏi trong lòng Ngụy Quýnh càng lớn. Chỉ là vì hứng
thú, thì tuyệt đối không thể khiến một người già từng trải lo lắng và mất
bình tĩnh đến như vậy.
“Ngụy Quýnh,” Kỷ Càn Khôn thận trọng lựa chọn từ ngữ, “có thể nhờ
cháu…”
“Ông muốn xem điều khoản quy định của luật hình sự năm 79?” Ngụy
Quýnh lấy điện thoại di động ra, “Cái này thì dễ thôi.”
Kỷ Càn Khôn tròn mắt ngạc nhiên nhìn Ngụy Quýnh vào mạng bằng
điện thoại di động một cách thành thục, thao tác một hồi, Ngụy Quýnh
trượt lên trượt xuống điều chỉnh màn hình rồi đưa điện thoại di động cho
ông cụ - trên màn hình dày đặc những chữ.
“Mục 8 chương 4, điều 77.”
Kỷ Càn Khôn cẩn thận cầm chiếc điện thoại di động, đưa chiếc điện
thoại di động lên gần mắt, rồi lại bỏ kính ra, vươn thẳng cánh tay, đưa chiếc
điện thoại di động ra xa, nhưng những con chữ vẫn mờ ảo không rõ.
“Để cháu.” Ngụy Quýnh cầm lấy chiếc điện thoại di động, “Điều 77, tại
tòa án Nhân dân, viện kiểm sát tối cao, cơ quan công an… Ồ, chỗ này đúng
là có sửa đổi… Sau khi sử dụng các biện pháp cưỡng chế, những đối tượng
trốn tránh điều tra hình sự hoặc xét xử, không chịu hạn chế của thời hiệu
truy cứu trách nhiệm hình sự.”
“Ừ.” Kỷ Càn Khôn lập tức nhận ra, “Luật hình sự năm 79 là “sau khi sử
dụng các biện pháp cưỡng chế”, còn luật hình sự năm 97 là “sau khi thụ lý
vụ án”, đúng không?”
“Vâng.”
“Nếu một vụ án - ví dụ như, vụ án giết người - xảy ra sau năm 97,” Kỷ
Càn Khôn vừa nói vừa nghĩ, tốc độ rất chậm rãi, “Cháu thấy nên sử dụng
luật hình sự năm 97 hay luật hình sự năm 79?”
Ngụy Quýnh ngớ ra, “Đây là… vấn đề hiệu lực hồi tố trong luật hình sự
đấy.”
“Đúng.” Kỷ Càn Khôn đáp rất dứt khoát, ánh mắt đầy mong đợi.