TAM QUỐC CHÍ - NGỤY CHÍ - Trang 105

đấy không phải là kế hay vậy”. Tuyên Vương nói: “Không đúng. Vật gì hễ
đặt ở chỗ yên thì được yên, đặt ở chỗ nguy thì nguy, cho nên sách binh
pháp nói: ‘Thành bại là do hình đất, an nguy là thế đất, hình thế đất là cái
cốt yếu để phòng giữ, không thể không xét kĩ’. Nếu để cho hai vạn quân
giặc chắn ngang sông Miện, hai vạn quân chống nhau với các quân ta ở
phía nam sông Miện, một vạn quân lại đi cướp Tổ Trung thì quân sẽ làm gì
để cứu”? Sảng không nghe, bèn sai về. Sau đó Nhiên đánh úp phá chỗ ấy.
Viên Hoài nói với Sảng rằng: “Dân miền Ngô Sở yếu kém lại ít sức, bậc
anh tài hiền năng không sinh ra ở chỗ ấy, sánh về sức thì không đủ để
chống nhau với người Trung Quốc, nhưng từ đời trước đến nay vẫn thường
gây hại cho Trung Quốc, đại khái là lấy Giang Hán làm ao, lấy thuyền
chèo làm vũ khí, thấy lợi thì lên bộ cướp bóc, không lợi thì vào sông, đánh
chúng thì đường xa, do đó Trung Quốc nhiều đời không đánh được họ vậy.
Tôn Quyền từ mấy chục năm trước đến nay thường đánh cướp mé bắc sông
Giang, luyện tập quân giáp, sửa sang phòng bị, nhiều lần ra đánh lén, dám
đi xa khỏi sông, đến nơi đất bằng, đấy là điều mà người Trung Quốc từng
nghe thấy vậy. Người dùng binh quý ở việc quân no chống quân đói, lấy
quân nhàn thắng quân mỏi, đem quân không muốn đánh lâu, đi không
muốn đến nơi xa, giữ thì chọn nơi vững, gắng sức thì thích mạnh. Ngày nay
nên bỏ miền sông Hoài, sông Hán về phía nam, rút lui mà tránh giặc. Nếu
giặc vào được miền giữa, đến lấn biên giới thì theo điểm yếu của chúng mà
dùng điểm mạnh của người Trung Quốc mà đánh vậy. Nếu giặc không dám
đến thì biên giới được yên, không có nỗi lo bị cướp phá vậy. Khiến cho
nước giàu quân mạnh, lòng người hợp nhất thì đánh được nước giặc không
còn xa nữa vậy. Nay thành Tương Dương lẻ loi ở phía nam sông Hán, nếu
giặc men sông Hán mà đi lên thì ta chặn ngang mà làm cho đường lối
chẳng thông, lúc ấy một trận là thắng, không cần đánh mà giặc tự chịu
phục, cho nên đặt quân ở đấy thì không ích cho nước, bỏ chỗ ấy cũng
không bị lấn. Từ quận Giang Hạ về phía đông, các quận miền Hoài Nam,
từ thời ba vị Tiên đế đến nay, có khi nào bỏ chỗ ấy mà khiến cho giặc dễ
đến gần bờ cõi để cướp bóc chăng? Nếu dời dân về miền Hoài Bắc, rời xa
chỗ ấy thì dân chúng an vui, há bị kinh sợ sao”? Rút cuộc không dời.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.