và nêu rõ võ công vậy. Giữa năm Nguyên Đỉnh thời Hán Hiếu Vũ, đổi
huyện Đồng Hương thành huyện Văn Hỉ, huyện Tân Hương thành huyện
Hoạch Gia là để ghi nhớ lúc nước Nam Việt bị diệt. Đại tướng quân tự thân
lĩnh sáu quân, đóng giữ ở Khâu Đầu, trong trừ bọn xấu, ngoài phá giặc
cướp, công trùm triệu dân, tiếng lừng bốn cõi. Chiếm đất của địch, nên có
tên mới, nay đổi tên Khâu Đầu thành Vũ Khâu để nêu rõ oai vũ dẹp loạn,
để đời sau không quên, cũng đắp hai gò đống để tỏ nghĩa vậy”.
Mùa hạ tháng năm, bái Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương làm Tướng
quốc, phong Tấn Công, thực ấp tám quận, lại tặng lễ ‘cửu tích’, Văn Vương
trước sau nhường chín lần lại thôi.
Tháng sáu ngày bính tí, hạ chiếu nói: “Ngày xưa bọn giặc trên núi ở quận
Nam Dương gây rối, muốn bắt giữ Thái thú Đông Lí Bao làm con tin, quan
Công tào là Ứng Dư tự thân giằng lại Bao, bèn thoát được nạn. Dư khốn
cùng bỏ mạng, bỏ thân cứu chủ. Nay sai quan Tư đồ bái cháu của Dư là
Luân làm quan, sai phải báo đền khí tiết”.
Sở quốc tiên hiền truyện chép: Dư tự Tử Chính, bản tính thẳng thắn, chí
ưa nhân nghĩa. Năm Kiến An thứ hai mươi ba làm quan Công tào trong
quận. Bấy giờ Ngô, Thục không phục, bờ cõi nhiễu loạn. Tướng giữ thành
Uyển là Hầu Âm vỗ về dân trong núi, giữ thành làm phản. Dư cùng quan
Thái thú Đông Lí Bao đang ở vào buổi rối ren, chạy loạn mà ra. Âm liền
sai quân kị đuổi bắt, cách thành mười dặm sắp đuổi kịp, giặc liền bắn Bao,
tên bay hỗn loạn. Dư vươn thân phía trước để hứng mũi tên, bị thương bảy
chỗ, nhân đó bảo bọn giặc đuổi theo rằng: “Hầu Âm cuồng trá, làm việc
hung nghịch, đại quân sắp đến, sẽ bị đánh diệt. Các anh vốn là người tốt,
chẳng có ý ác, hãy mau theo thiện, sao lại chịu để cho hắn sai khiến? Ta
đem thân để thay chủ, đã bị thương nặng, nếu ta chết mà chủ được sống,
chết cũng chẳng tiếc”. Rồi ngẩng mặt lên trời khóc lóc, máu lệ chứa chan.
Giặc thấy người này trung nghĩa, liền tha cho Bao mà không giết. Sau khi
giặc đi, Dư cũng bỏ mạng. Chinh nam Tướng quân Tào Nhân đánh dẹp
Âm, kể công trạng của Dư, cùng lấy rượu rảy xuống đất mà cúng tế. Thái
Tổ nghe tin, than thở hồi lâu, hạ lệnh Kinh Châu kể rõ tình cảnh của người