việc ấy, giả vờ ra nhà xí, rồi ngầm trốn đi. Con ngựa của Bị có tên là Đích
Lư, Bị cưỡi ngựa Đích Lư đi trốn, bị rơi xuống khe Đàn Khê ở phía tây
thành Tương Dương, ngựa chìm xuống không thoát lên bờ được. Bị nóng
nảy mà rằng: “Đích Lư: Hôm nay nguy khốn lắm rồi, hãy cố sức lên!” Đích
Lư bèn hết sức nhảy vọt lên cao ba trượng, vượt được qua khe, bơi sang bờ
bên kia, quân đuổi theo đến bờ khe, lấy ý của Biểu tạ Bị, rằng: “Sao vội bỏ
đi vậy!”
Tôn Thịnh chép: Chẳng thể như lời ấy được. Bấy giờ Bị là khách ở nhờ,
cái thế khách chủ khác nhau, nếu có biến như thế, há được vô sự cho đến
trọn đời Biểu mà chẳng có lúc mắc tội hay sao? Thế đều là lời nói xằng
của người đời, chẳng phải là sự thật vậy.
Biểu sai Bị chống cự bọn Hạ Hầu Đôn-Vu Cấm ở Bác Vọng. Được ít lâu,
Tiên Chủ đặt phục binh, một sớm tự đốt bỏ quân doanh vờ trốn chạy, bọn
Đôn đuổi theo, bị phục binh của Bị đánh tan ở đấy.
Năm thứ mười hai, Tào Công bắc chinh Ô Hoàn, Tiên Chủ khuyên Biểu
tập kích Hứa Xương, Biểu không dùng kế ấy.
Hán Tấn xuân thu chép: Tào Công từ Liễu Thành trở về, Biểu bảo Bị
rằng: “Tô chẳng theo lời ngài, nên bỏ lỡ mất cơ hội lớn ấy.” Bị đáp: “Nay
thiên hạ chia lìa, việc binh đao diễn ra hàng ngày, cơ hội sẽ lại tới, há đã hết
được hay sao? Nếu sau này biết ứng phó, tất việc ấy chưa đủ để tiếc hận
vậy.”
Tào Công nam chinh Biểu, gặp lúc Biểu chết, con là Tông lên thay, sai
sứ đến xin hàng.
Anh hùng ký chép: Biểu ốm, Bị lên lĩnh chức Thứ sử Kinh Châu.
Nguỵ thư chép: Biểu ốm nặng, phó thác việc nước cho Bị, nhìn Bị nói
rằng: “Con ta bất tài, mà chư tướng mỗi người một ý, sau khi ta chết, khanh
hãy thay ta nắm lấy Kinh Châu.” Bị thưa: “Các cháu đều là bậc hiền tài,
chủ công cứ yên lòng dưỡng bệnh.” Có người khuyên Bị nên theo lời Biểu,
Bị nói: “Người ấy hậu đãi ta, nay theo lời ấy, người ta hẳn cho tôi là kẻ bạc
bẽo, tôi chẳng nhẫn tâm được vậy.”