“Vậy thì, ngoài Mặt trời xuất hiện trong kỷ nguyên Hỗn loạn và kỷ
nguyên Hằng định, hai Mặt trời khác ở đâu?”
“Trước tiên phải nói rõ, Mặt trời mà chúng ta nhìn thấy ở những thời
điểm khác nhau rất có khả năng không phải cùng một Mặt trời, mà là một
trong ba Mặt trời ấy. Hai Mặt trời còn lại chính là sao bay, khi chúng
chuyển động đến khoảng cách xa, trông giống như những ngôi sao vậy.”
“Anh bị hổng kiến thức khoa học tối thiểu rồi.” Galileo lắc đầu phản đối,
“Mặt trời chuyển động liên tục từ gần ra xa, không thể nào nhảy cóc được,
vì vậy theo giả thiết của anh, sẽ phải có tình huống thứ ba: Mặt trời nhỏ hơn
trạng thái bình thường, nhưng lớn hơn sao bay, trong khi chuyển động nó sẽ
dần dần biến thành kích cỡ giống như sao bay, nhưng chúng tôi chưa từng
thấy Mặt trời như vậy bao giờ cả.”
“Nếu ông đã được đào tạo cơ bản về khoa học, trong lúc quan sát, hẳn đã
tìm hiểu được phần nào về kết cấu của Mặt trời.”
“Đây chính là phát hiện mà tôi tự hào nhất: Mặt trời gồm có một lớp khí
dày nhưng rất loãng ở ngoài cùng bao lấy một lõi đặc nóng bỏng bên
trong.”
“Rất đúng, nhưng hiển nhiên là ông chưa phát hiện ra hiệu ứng quang
học đặc biệt của lớp khí ngoài cùng Mặt trời lên bầu khí quyển của hành
tinh chúng ta. Hiện tượng này tương tự như hiện tượng phân cực, khiến cho
khi Mặt trời ra ngoài một khoảng cách nhất định nào đó, nếu quan sát từ
bên trong bầu khí quyển của chúng ta, lớp khí ngoài cùng Mặt trời sẽ đột
nhiên trở nên trong suốt không nhìn thấy được, mà chỉ có thể thấy cái lõi
phát sáng của nó mà thôi, lúc này, trong tầm mắt của chúng ta, Mặt trời đột
nhiên thu nhỏ lại chỉ bằng kích cỡ lõi, biến thành sao bay. Chính hiện tượng
này đã khiến các nhà nghiên cứu của những nền văn minh trong lịch sử lầm
lẫn, làm cho họ không ý thức đến sự tồn tại của ba Mặt trời. Giờ các ông đã
hiểu tại sao khi ba ngôi sao bay cùng xuất hiện lại dự báo một đợt lạnh giá
kéo dài rồi đấy, là bởi lúc đó ba Mặt trời đều ở phía xa.”