28. Evans
Sau nửa năm trở về trường đại học, Diệp Văn Khiết đảm nhiệm một đề
tài quan trọng: thiết kế một đài quan trắc thiên văn vô tuyến cỡ lớn. Không
lâu sau, cô và nhóm nghiên cứu đã phải đi khắp nơi chọn đất để xây dựng
đài thiên văn. Những suy xét ban đầu chỉ thuần túy mang tính kỹ thuật,
khác với quan trắc thiên văn truyền thống, yêu cầu của thiên văn vô tuyến
đối với chất lượng bầu khí quyển và độ gây nhiễu từ ánh sáng nhìn thấy
được không cao, nhưng phải cố gắng để ngăn ngừa sự gây nhiễu điện từ từ
dải sóng ánh sáng không nhìn thấy được. Họ đi rất nhiều nơi, cuối cùng
chọn được một địa điểm có môi trường điện từ tốt nhất, đó là một vùng núi
hẻo lánh ở Tây Bắc.
Núi đất vàng ở đây hầu như không có thảm thực vật, đất màu bị rửa trôi
đi tạo nên những rãnh nứt khiến vùng sơn địa nhìn từ xa trông như gương
mặt đầy nếp nhăn nheo của người già. Sau khi chọn sơ được vài điểm xây
dựng, nhóm đề tài dừng chân nghỉ ngơi bên một thôn làng mà hầu hết nhà
dân đều là kiểu nhà hầm bằng đất, đội trưởng đội sản xuất trong làng hình
như nhận định Diệp Văn Khiết là người có học vấn, bèn hỏi cô có biết nói
tiếng nước ngoài không… Cô hỏi là tiếng nước nào, viên đội trưởng trả lời
không biết, nếu nói được tiếng nước ngoài thì để anh ta kêu người gọi
Bethune xuống, đội sản xuất có việc muốn thương lượng với anh ta.
“Bethune
(*)
?” Diệp Văn Khiết lấy làm kinh ngạc.
(*) Henry Norman Bethune, đảng viên Đảng Cộng Sản Canada, từng
tham gia Bát Lộ Quân trong chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai. Bethune
đã mang y tế hện đại đến vùng nông thôn Trung Quốc và đối xử với người
dân bị ốm bằng thái độ như đối với những người lính bị thương. Cống hiến
quên mình của ông dành cho nhân dân Trung Quốc đã gây ấn tượng cho
Mao Trạch Đông đến nỗi cả thế hệ sinh viên Trung Quốc thời kỳ đó đều
được yêu cầu phải học thuộc lòng bài ca tụng của Mao dành cho Bethune.