29. Căn cứ Hồng Ngạn số 2
Lại ba năm nữa trôi qua, Evans hoàn toàn im hơi lặng tiếng, không có tin
tức gì. Diệp Văn Khiết không biết anh ta liệu có thực sự đang ở nơi nào đó
trên thế giới chứng thực những gì mình đã kể hay không, cũng không biết
anh ta chứng thực bằng cách nào. Cho dù trên thang thước đo vũ trụ, bốn
năm ánh sáng chỉ là khoảng cách gần trong gang tấc, nhưng đối với những
sinh mệnh yếu ớt, đó lại là khoảng cách xa xôi không thể tưởng tượng nổi,
ở đầu con sông và cuối con sông không gian, bất cứ liên hệ nào cũng chỉ
mong manh như đường tơ sợi chỉ.
Mùa đông năm ấy, Diệp Văn Khiết đột nhiên nhận được lời mời của một
trường đại học không nổi tiếng lắm ở Tây Âu, mời cô đến đó làm học giả
khách mời trong nửa năm. Sau khi đến sân bay Heathrow ở London, một
người trẻ tuổi đến đón cô, họ không ra ngoài đại sảnh sân bay mà quay
ngược vào bãi đáp máy bay. Ở đó, người thanh niên ấy dẫn cô lên một chiếc
trực thăng. Khi chiếc trực thăng ầm ầm bay lên bầu trời sương mù mờ mịt
của London, thời gian tựa hồ quay ngược trở lại, Diệp Văn Khiết có cảm
giác dường như đã gặp tất cả ở đâu đó vậy. Lần đầu tiên đi máy bay trực
thăng nhiều năm trước, cô đã trải qua một khúc ngoặt của vận mệnh, lần
này, số phận sẽ lại đưa cô đến nơi nào?
“Chúng ta đang đến căn cứ Hồng Ngạn số 2.” Người thanh niên ấy nói.
Máy bay trực thăng bay qua đường bờ biển, tiến sâu vào Đại Tây Dương.
Sau nửa giờ bay trên mặt biển, trực thăng hạ xuống một con tàu lớn. Vừa
mới nhìn thấy con tàu lần đầu tiên, Diệp Văn Khiết đã nhớ ngay đến núi
Radar, bấy giờ cô mới nghĩ ra hình dạng ngọn núi đó thật sự rất giống một
con tàu khổng lồ, Đại Tây Dương ở xung quanh giống như rừng già ở dãy
núi Đại Hưng An, nhưng thứ khiến cô liên tưởng đến căn cứ Hồng Ngạn
chính là chiếc ăng ten parabol khổng lồ dựng sừng sững ở phần giữa của
con tàu, trông như thể một cánh buồm lớn hình tròn của con tàu lớn này
vậy. Con tàu này được cải tạo lại từ một tàu chở dầu 60.000 tấn, trông như