Người thẩm vấn (chỉ vào tai nghe): Sau lưng tôi có những chuyên giá
xuất sắc nhất thế giới.
Diệp Văn Khiết: Đúng vậy, là hạt vi mô. Sáu năm trước, ở chòm sao
Centaurus xa xôi, thế giới Tam Thể từng gia tốc hai hạt nhân của nguyên tử
hydro đạt đến vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, bắn về phía Hệ Mặt trời,
hai hạt nhân nguyên tử hydro này, cũng chính là hai proton đã đến hệ Mặt
trời từ hai năm trước, sau đó đã tới Trái đất.
Người thẩm vấn: Hai proton? Họ chỉ gửi đến có hai proton? Thế này thì
gần như là chẳng gửi gì cả rồi còn gì.
Diệp Văn Khiết (cười): Anh cũng nói “gần như” rồi. Thế giới Tam Thể
chỉ có năng lực này, chỉ có khiến thứ nhỏ như hạt proton đạt đến vận tốc
gần bằng vận tốc ánh sáng, vì vậy từ khoảng cách bốn năm ánh sáng, họ
chỉ có thể gửi đến hai proton thôi.
Người thẩm vấn: Trong thế giới vĩ mô, hai proton thì cũng như là không
gì cả… Dù là một cái lông của một con vi trùng, thì cũng gồm hàng mấy tỷ
proton rồi. Thế thì có ý nghĩa gì đâu chứ?
Diệp Văn Khiết: Nó là một cái khóa.
Người thẩm vấn: Khóa? Khóa cái gì?
Diệp Văn Khiết: Khóa chết khoa học của nhân loại, trong bốn thế kỷ
rưỡi trước khi hạm đội Tam Thể đến nơi, chính vì có sự tồn tại của hai hạt
proton này, khoa học của loài người sẽ không thể có bất cứ tiến bộ lớn lao
nào nữa. Nghe đồn, Evans đã từng nói một câu thế này: ngày mà hai proton
đến Trái đất, chính là lúc mà khoa học của loài người tử vong.
Người thẩm vấn: Chuyện này không khỏi hơi quá ly kỳ rồi, sao mà làm
thế được?
Diệp Văn Khiết: Không biết, tôi thật sự không biết. Đối với nền văn minh
Tam Thể, có thể chúng ta còn chẳng được coi là đám người dã man mông
muội, mà chỉ là một lũ sâu bọ cũng nên.