Người ta thường thích dùng một cách ví von thế này: thử tưởng tượng
có một giống người phẳng sinh sống trong một bức tranh hai chiều nằm
trong không gian ba chiều, cho dù bức tranh ấy có rực rỡ phong phú đến
nhường nào, những người phẳng trong tranh cũng chỉ thấy được cạnh bên
của thế giới xung quanh mình, trong mắt họ, người và sự vật xung quanh
đều chỉ là những đoạn thẳng dài ngắn khác nhau mà thôi, chỉ khi một người
phẳng dẹt ấy nhảy ra khỏi bức tranh, đi vào không gian ba chiều, sau đó
ngoảnh lại nhìn bức tranh, mới thấy được toàn bộ diện mạo của thế giới
trong tranh.
Cách ví này, thực ra chỉ là miêu tả kỹ hơn một chút cái sự không thể
miêu tả của cảm giác bốn chiều.
Những người lần đầu tiên nhìn thế giới ba chiều từ không gian bốn
chiều, trước tiên đều lĩnh ngộ được một điểm: lúc trước, khi ở trong thế
giới ba chiều, kỳ thực họ chưa bao giờ nhìn thấy được thế giới của chính
mình, nếu coi thế giới ba chiều như một bức tranh, họ mới chỉ nhìn thấy
bức tranh khi đặt vuông góc với mặt phẳng họ đang đứng trên mà thôi, họ
chỉ thấy được cạnh bên của bức tranh, là một đoạn thẳng; chỉ khi nhìn từ
không gian bốn chiều, bức tranh mới trải ra trước mặt họ. Họ sẽ miêu tả
thế này: không thứ nào che đi thứ ở đằng sau nó, có thể nhìn thấy bên trong
mọi vật thể kín. Nguyên tắc rất đơn giản, nhưng nếu thực sự nhìn thấy thế
giới theo nguyên tắc này, cú sốc thị giác là cực kỳ lớn. Khi không còn tồn
tại lớp che và vật kín, mọi thứ đều lồ lộ ra ngoài, thách thức đầu tiên với
người mục kích chính là lượng thông tin nhiều gấp hàng tỷ lần trong thế
giới ba chiều. Trước lượng thông tin cực lớn tràn vào thị giác, bộ não nhất
thời sẽ không thể nào nắm bắt được.