Đứng trước lượng thông tin vô hạn xuất phát từ chi tiết VÔ hạn, bộ
não từ khi sinh ra đã dùng để cảm giác và tư duy về không gian ba chiều
không thể nào nắm bắt được, mới đầu đều rơi vào trạng thái tắc nghẽn vì
quá tải thông tin. Nhưng bộ não sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường
bốn chiều, vô thức gạt đi hầu hết các chi tiết, chỉ nắm bắt cái khung đại thể
của sự vật.
Sau khi cảm giác choáng váng xây xẩm ban đầu qua đi, Morovich và
Quan Nhất Phàm lại gặp phải một cơn sốc còn mạnh hơn, mà vừa nãy đã
bị chi tiết vô hạn của khung cảnh xung quanh át mất - Đó chính là cảm giác
về bản thân không gian, hoặc có thể nói là cảm giác về chiều không gian
thứ tư nằm ngoài không gian ba chiều, sau này người ta gọi đó là cảm giác
không gian chiều cao. Đối với những người từng trải qua không gian bốn
chiều, cảm giác không gian chiều cao là thứ khó miêu tả bằng lời nhất. Họ
luôn gắng giải thích thế này: khái niệm mà chúng ta gọi là mênh mông, vô
tận ở không gian ba chiều, sẽ lặp lại vô hạn ở chiều không gian thứ tư, ở
một phương không tồn tại trong thế giới ba chiều. Họ thường ví với hai
tấm gương đặt đối diện nhau: khi ấy, trong mỗi tấm gương đều có thể nhìn
thấy vô số tấm gương được sao chép lại, một hành lang gương kéo dài đến
vô tận, trong ví von này, mỗi tấm gương trong hành lang ấy đều là một
không gian ba chiều. Nói cách khác: sự mênh mông vô tận mà chúng ta
thấy ở thế giới ba chiều, thực ra chỉ là một mặt cắt của cái mênh mông vô
tận thực sự. Chỗ khó khi miêu tả cảm giác không gian chiều cao là, người
ở trong không gian bốn chiều cũng nhìn thấy một không gian trống trải và
đều đặn, nhưng lại có cảm giác về “độ sâu” không thể diễn tả thành lời,
cũng không thể hình dung bằng khoảng cách, chứa trong từng điểm một của
không gian ấy. Sau này, câu nói của Quan Nhất Phàm đã trở thành kinh
điển: