hướng về một cuộc sống bình yên an ổn, Hắc Vực có thể mang đến cho họ
cuộc sống như thế; còn như phải cách biệt với vũ trụ, người ta dĩ nhiên
cũng cảm thấy nuối tiếc, nhưng bản thân Hệ Mặt trời cũng đủ lớn rồi, họ
có thể chấp nhận sự nuối tiếc ấy. Người ta quan tâm đến dự án Hắc Vực ít
hơn dự án Boongke là vì ngay cả người bình thường cũng nhìn ra được
công nghệ này khó đến mức nào, đa phần quần chúng cho rằng, năng lực
của loài người rất khó hoàn thành một công trình mang tầm vóc của
Thượng Đế như thế.
So với thái độ lạnh nhạt của quần chúng, những ý kiến ủng hộ cuồng
nhiệt hay kiên quyết phản đối kế hoạch chế tạo phi thuyền vận tốc ánh sáng
đều đến từ tầng lớp tinh hoa.
Phe ủng hộ nghiên cứu phi thuyền vận tốc ánh sáng cho rằng, con
người muốn đạt được an toàn cuối cùng chỉ có cách bành trướng ra hệ
Ngân Hà và thực hiện chính sách thực dân, trong vũ trụ tàn khốc này, chỉ
có những nền văn minh hướng ngoại mới có khả năng sinh tồn, chỉ chăm
chăm muôn yên ổn nhất thời thì rốt cuộc sẽ chuốc lấy kết cục diệt vong. Đa
số những người có quan điểm này không phản đối dự án Boongke, nhưng
lại cực kỳ căm ghét dự án Hắc Vực, cho rằng đó là tự đào mộ cho mình.
Mặc dù họ cũng thừa nhận Hắc Vực có thể đảm bảo cho loài người sinh
tồn lâu dài, nhưng đối với cả nền văn minh, cuộc sống kiểu ấy chẳng khác
gì đã chết cả.
Những người phản đối phi thuyền vận tốc ánh sáng đa phần đều xuất
phát từ nguyên nhân chính trị. Bọn họ cho rằng, nền văn minh của nhân
loại đã trải qua bao gian nan khó nhọc, cuối cùng đã tới được xã hội dân
chủ gần như là lý tưởng, mà loài người sau khi bay vào vũ trụ sẽ không thể
tránh khỏi thụt lùi về xã hội. Không gian vũ trụ giống như một chiếc kính