không gian cỡ lớn để làm cơ sở nghiên cứu, đây chính là thành phố khoa
học Vận Tốc Ánh Sáng số 1 nằm trong quần thể Sao Thổ. Có điều, việc
nghiên cứu trên quy mô lớn đã diễn ra suốt sáu mươi năm mà không có bất
cứ đột phá nào, ngay cả phương diện lý thuyết cơ sở cũng không có tiến
triển gì.
Giảm vận tốc ánh sáng trong môi chất không phải việc khó khăn, từ
năm 2008 thời Công nguyên, trong phòng thí nghiệm, người ta đã có thể
giảm vận tốc ánh sáng trong môi chất xuống mức khó thể tưởng tượng là
17 m/s, nhưng việc này và giảm vận tốc ánh sáng trong môi trường chân
không có sự khác nhau về mặt bản chất. Giảm trong môi chất chỉ đơn giản
là nhờ nguyên tử của môi chất hấp thụ photon rồi phát xạ ra, tốc độ của
photon vẫn là tốc độ bình thường trong chân không, hoàn toàn không có ý
nghĩa gì đối với dự án Hắc Vực cả.
Vận tốc ánh sáng trong chân không là một trong những hằng số cơ bản
của vũ trụ, thay đổi nó cũng đồng nghĩa với việc thay đổi quy luật vũ trụ, vì
vậy, để giảm vận tốc ánh sáng trong chân không cần có bước đột phá trong
lĩnh vực cơ bản nhất của ngành vật lý, mà đây thì là chuyện chỉ có thể gặp
chứ không thể cầu. Sáu mươi năm nay, thành quả thực sự của nghiên cứu
lý thuyết cơ sở chỉ có sự ra đời của máy gia tốc hạt quanh Mặt trời, mà sự
xuất hiện của nó đã trực tiếp dẫn đến hạng mục nghiên cứu quy mô lớn
nhất trong dự án Hắc Vực - dự án Lỗ Đen.
Các nhà khoa học bấy lâu nay vẫn luôn tìm cách dùng các biện pháp vật
lý cực đoan để tác động lên vận tốc ánh sáng. Họ từng tạo ra trường điện từ
nhân tạo mạnh nhất trong lịch sử loài người. Song, cách tốt nhất để tác
động lên vận tốc ánh sáng trong chân không vẫn là trường hấp dẫn. Tuy
nhiên, tạo ra trường trọng lực mạnh cục bộ trong phòng thí nghiệm là điều