“Vệ tinh số 13 là vệ tinh nhỏ nhất của Sao Mộc, bán kính chỉ có 8 km,
chỉ là một khối đá to mà thôi. Trước khi tạo ra lỗ đen, người ta kéo vệ tinh
này xuống khỏi quỹ đạo cao của nó, biến nó thành vệ tinh của Mặt trời
giống như quần thể thành phố không gian, quay song song với Sao Mộc.
Điểm khác nhau với các thành phố không gian là, nó nằm ở điểm Lagrange
thứ hai giữa Sao Mộc và Mặt trời, cũng chính là vị trí lúc này của chúng ta,
có thể giữ khoảng cách ổn định với Sao Mộc mà không cần sử dụng động
cơ đẩy để duy trì vị trí. Tính đến thời điểm này, đây là vật thể có khối
lượng lớn nhất mà nhân loại đã di chuyển được trong không gian.
“Lỗ đen cỡ siêu nhỏ được đưa vào bên trong vệ tinh số 13 của Sao
Mộc, sau khi hấp thu vật chất nó liền nhanh chóng lớn dần, đồng thời,
lượng bức xạ khổng lồ sinh ra do vật chất bị hút vào trong lỗ đen cũng
nhanh chóng làm tan chảy khối nham thạch xung quanh. Chẳng mấy chốc,
toàn bộ vệ tinh số 13 bán kính 8 km đã bị nung chảy, khối đá khổng lồ hình
củ khoai tây này biến thành một quả cầu dung nham phát ra ánh sáng đỏ.
Thể tích quả cầu dung nham từ từ thu nhỏ, độ sáng lại càng lúc càng cao,
cuối cùng biến mất không còn dấu vết trong một luồng sáng chói lòa.
Theo kết quả quan trắc, ngoài một phần rất nhỏ bị bức xạ cuối cùng ném
văng ra, hầu hết vật chất tạo thành vệ tinh số 13 đều bị lỗ đen hút vào. Lỗ
đen này đã trở nên ổn định, bán kính Schwarzschild hay có thể nói là bán
kính chân trời sự kiện của nó đã tăng từ kích cỡ của một hạt cơ bản lên tới
21 nm.
“Sau đó, người ta đã lấy lỗ đen này làm trung tâm để xây dựng một
thành phố không gian, chính là thành phố Vận Tốc Ánh Sáng số 2. Lỗ đen
nằm lơ lửng ở tâm thành phố Vận Tốc Ánh Sáng số 2, nơi này hoàn toàn
trống không, là một khoảng chân không thông với không gian vũ trụ,
không tự quay xung quanh mình. Trên thực tế, nó chỉ là một bình chứa