sử dụng thiết bị đẩy trên trang phục phi hành gia để thoát ra. Vì thế, Cao
Way không thể nào ‘bị’ hút vào trong lỗ đen được.
“Sau khi có được mẫu lỗ đen ổn định, Cao Way trở nên mê muội nó.
Vật lộn với ánh sáng suốt bao nhiêu năm ròng mà không mảy may lay động
được nó, thậm chí còn không thay đổi được dù chỉ một chút số lẻ rất xa
đằng sau dấu phẩy của hằng số 300.000 kia, ông ta chìm ngập trong cảm
giác nôn nóng và thất bại. Vận tốc ánh sáng không đổi trong môi trường
chân không là một trong những quy luật cơ bản của vũ trụ, vì vậy ông ta
vừa sự lại vừa căm hận quy luật vũ trụ. Thế nhưng, trước mắt ông ta khi ấy
lại có một thứ như vậy, một thứ có thể nén vệ tinh số 13 của Sao Mộc lại
chỉ còn 21 nm, bên trong chân trời của nó, trong điểm kỳ dị không-thời
gian ấy, quy luật vũ trụ mà chúng ta đã biết nay không còn hiệu lực nữa.
“Cao Way thường nằm bò trên lưới phòng hộ, mê mẩn nhìn lỗ đen nằm
cách xa 5 km kia suốt mấy giờ đồng hồ liên tục, nhìn nó chớp nháy lập lòe
mờ mờ như lúc này đây. Có lúc, ông ta còn bảo lỗ đen đang nói chuyện, từ
trong ánh lập lòe ấy ông ta có thể đọc ra được thông tin gì đó.
“Không ai nhìn thấy quá trình Cao Way bị hút vào lỗ đen, nếu có băng
ghi hình thì nó cũng chưa từng được công bố. Ông ta là một trong những
nhà vật lý chủ chốt của dự án Lỗ Đen, có mật khẩu để mở lối vào lưới
phòng hộ. Chắc chắn ông ta đã vào trong đó, trôi một mạch về phía lỗ đen,
đến gần cho tới khi lực hấp dẫn của lỗ đen khiến ông ta không thể quay lại
được nữa... Có lẽ ông ta chỉ muốn quan sát thứ khiến mình say mê này ở
khoảng cách gần mà thôi, cũng có thể ông ta đã quyết định đi vào trong
điểm kỳ dị nơi mà quy luật vũ trụ không có tác dụng gì để trốn tránh mọi
thứ.