Trở về rừng, An công tác ở một đội kiểm lâm. Và lần này, bọn phá
rừng đã cho anh nếm đòn chiến trận. An lãnh đủ cả một trái mỏ vịt da láng.
Đến hôm nay, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi khi chia tay với anh. Giọng
An rất buồn:
- Chắc qua tiêu mất. Chết thế này thật uổng. Giá ngày ấy nằm lại ở
rừng... Đù mẹ.
Tôi ngờ rằng, con người An sinh ra, chỉ để dành cho chiến trận.
Hòa bình đã gần được hai mươi năm. Với chúng tôi, chiến tranh chỉ
còn là hồi ức. Phần hồi ức đẫm đặc nhất trong thập cẩm hồi ức. Miền hồi
ức ấy, lưu giữ tuổi trẻ của chúng tôi. Mỗi người lính đi ra khỏi cuộc chiến
tranh lớn, đều để lại cuộc chiến tranh của riêng mình. Có người là một phần
cuộc đời. Có người là cả cuộc đời. Có người mãi mãi không đi ra nổi.
Hành trang của hồi ức chiến tranh, chỉ là những âm hưởng vang vọng,
dội vào cuộc đời những người từng đi qua nó. Với người này, đó là tất cả
những gì quý giá nhất. Với người kia, đó là một gánh nặng tủi nhục, muốn
rũ bỏ, không được. Muốn chạy trốn, càng khó. Hồi ức chiến tranh, một nỗi
buồn mang mang song hành với niềm vui bất tận. Có người sống vì nó. Có
người đánh đổi nó. Có người nhấm nháp nó. Tựu trung, tất cả, dù muốn hay
không thì cuối cùng đều không thể chối bỏ phần đời thực của mình.
Mười một thằng lính A trinh sát - mười một cuộc chiến tranh riêng đã
đi trọn đích. Những người chết thanh thản để thịt xương mình tan trong đất
đai Tổ quốc. Những người chưa chết đã tìm được bờ bến của mình. Người
đến hẳn được cõi chết, kẻ được trở lại làm người. Và cuối cùng những
người sống. Vẫn biết cuộc đời còn dài lắm nhưng họ đã có quyền mỉm cười
khi quay lại, nhìn về phía sau. Nghĩ về họ, không hiểu sao tôi cứ thấy hiện
ra một biển đêm ngút ngàn. Không nhìn thấy gì trong màn đen ấy, bởi vậy
biển đêm kia hiền lành hết mực. Chợt những đốm đỏ bừng lên, bừng lên.