lẻ tác chiến độc lập, bảo vệ hành lang đường mòn. Trong mười một người,
chỉ có thằng Đinh A trưởng, thằng Vịnh, thằng Quang là lính cũ. Gọi là cũ
cho oai, chứ thực ra cả bọn cùng sàn sàn tuổi và vào chiến trường trước
tổng tiến công 72. Nghĩa là hơn nhau độ mươi tháng thâm niên.
Đại đội trợ chiến thực chất là một đơn vị bộ binh tăng cường, có
nhiệm vụ tác chiến bảo vệ mặt đất cho các đơn vị trong trung đoàn. Tiểu
đội trinh sát, trừ ba thằng Đinh, Vịnh, Quang, số còn lại đều là lính nhập
ngũ 71, 72, nhà quanh quẩn nội ngoại thành Hà Nội. C trưởng trợ chiến tên
là An, quê ở Long An, theo cha tập kết, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi
khóa đầu, từng sống nhiều năm ở Hà Nội, nhập ngũ năm 68, nhiều lần An
cười hề hề:
- Đù mẹ! Tụi bây vô đơn vị khác là tiêu rồi. Phải tay qua mới được
trọn vẹn. Qua biết rõ lính đất thánh, vừa “cậu” vừa “quậy”. Gom tụi bây
một chỗ để bớt quậy. Ráng đừng phụ lòng qua.
Đấy là An nói thật lòng. Lớp lính mới Hà Nội nào vào chiến trường
cũng bị xé lẻ. Đánh đấm như nhau cả thôi. Có điều lính thành phố, chỉ huy
nào cũng ngán. Vào trận, đánh thổi trời, nhưng chơi, trời cũng động luôn.
Lính A trinh sát coi như cùng lứa. Hơn kém nhau dăm bảy tháng nhập ngũ,
nhằm nhè gì. Duy nhất A trưởng Đinh khác quê đi từ Nam Hà. Dân vùng
chiêm trũng, phát âm giọng lẫn lộn e lờ, e nờ nên đeo theo biệt danh Đinh
nờ. Thằng Quang đẻ ở Hà Nội, cũng coi như người Hà Nội, dù nó phát âm
lối Nam Bộ. Quản được mười thằng Hà Nội, phải công nhận Đinh nờ là
thằng khá.
Hôm ấy, A trinh sát chốt trên điểm cao 517, cách Lộc Ninh một tầm
pháo cực nhanh 175 li. Từ chốt nhìn rõ đường 13, khúc kẹp giữa Chơn
Thành và Nhơn Ái. Từ các điểm cao khác, suốt một tuần, tiểu đoàn phòng
không liên tục kiểm soát khoảng không, yểm trợ cho bộ binh tấn công
Chơn Thành. Đài quan sát 517 được trang bị máy vô tuyến sóng ngắn dùng
dải ăng ten Lam đa và các phương tiện đo xa. Kíp chốt gồm ba người Đinh,