Khỉ gió thế, nhà nghỉ nhà ngheo mà không sắm nổi cái ca nô cho du khách.
Cũng là nhờ sự giúp đỡ của tay bảo vệ. Sau khó chịu ban đầu, tay kia hồ
hởi hòa đồng ngay. Thì ra, toàn cánh lính cả. Mẹ kiếp, ưu điểm số một của
chiến tranh có lẽ ở chỗ tạo ra sự thông cảm tuyệt đối giữa những người
từng tham gia trận mạc. Kể cũng lạ, biết ý định rồ dại của đám ngổ ngáo
muốn hạ trại trong núi, bên kia hồ, tay bảo vệ sốt sắng một cách rất vô tư,
đạp xe hẳn chục cây số đường núi để thuê thuyền hộ. Vùng này chưa có du
khách nào làm chuyện điên rồ ấy.
Thực ra, ý định này đã manh nha từ lâu lắm, nhưng phải đến gần hai
mươi năm sau chiến tranh, họ mới thực hiện được. Cũng là vì hoàn cảnh.
Mỗi người có phận đời riêng để bươn chải. Muốn bứt ra, tụ với nhau nơi
rừng rú, dù chỉ một vài ngày, sống lại thời chiến trận, không phải dễ,
chuyến đi này gần như một sự câu thúc không cắt nghĩa nổi.
Sáu người, phần còn lại của một tiểu đội trinh sát, phiên chế trong một
trung đoàn hỗn hợp, thành lập trước chiến dịch 1972, gồm cả pháo phòng
không, mặt đất và bộ binh của mặt trận B2. Mười một người cả thảy. Ba
người chết có phần mộ, được phong tặng liệt sĩ tại chỗ. Hai người mất tích,
phải cầy cục nhiều năm mới được công nhận. Đành là thế, nhưng vẫn có cái
gì bứt rứt không yên. Nhiều năm qua, bạn bè đã cất công tìm kiếm. Đủ mọi
cách vẫn biệt vô âm tín. Mới đây, đám lính liên tục tìm kiếm trên các
phương tiện truyền thông. Vẫn biết mò kim đáy bể nhưng dù sao còn có
một tẻo teo hi vọng để bù lấp vào khoản bứt rứt kia.
Con thuyền lừ lừ rẽ nước. Chẳng ai nói một câu. Hình như mỗi người
đang đuổi theo một miền riêng nào đó. Cả con bé lái thuyền cũng vậy. Nó
lầm lì đáng sợ. Mặt kia, chắc cũng đã tuổi thiếu nữ nhưng người quắt quặt
như một gốc thông khô. Vẻ lam lũ không giấu được trên da thịt, áo quần.
Nó bặm môi, cặm cụi đạp chèo. Trời đang về chiều. Nắng nhưng nước hồ
xanh thẫm màu lá. Cái hồ thiên tạo này mới được ngành du lịch phát hiện.
Phía con thuyền đang hướng đến thuộc về dãy Tam Đảo. Vẫn còn rơi rớt