những cánh rừng hoang sơ. Dân cư thưa thớt. Cả bọn mang đi toàn đồ trận.
Hóa ra thằng nào cũng thế, đều giữ lại được những kỉ vật cuối cùng của
chiến trận. Long tẩu, chính gã hộ pháp lái xe, đứng ra tổ chức chuyến đi
này. Gã đang đương nhiệm chức vụ giám đốc một doanh nghiệp lớn. Gã
hỏi con bé:
- Nhà cháu ở đâu?
Không nói, nó hất hàm về phía một doi đất nổi gần sát bờ. Núi đá sừng
sững trước mặt. Rừng hiện ra. Gần như rừng khộp ở miền Đông. Cây
không cao lắm nhưng thẳng. Cả bọn xuýt xoa, vẻ nôn nóng hiện hết ra mặt.
Không đợi mũi thuyền cập hẳn bờ, tất cả túa xuống. Nước bắn tung tóe,
thuyền chòng chành suýt lật. Mắt con bé long lên tức giận song miệng nó
vẫn mím chặt. Bình, sĩ quan không quân, chuyển ngành làm đội trưởng đội
vệ binh sân bay dân dụng, cuồng lên như một đứa trẻ. Lạ, bốn mươi rồi trẻ
trung gì nữa. Bình hát rống lên. Đúng hơn là hét: “Rừng ơi, ta đã về đây...”.
Trên đã kể đến Long tẩu. Biệt danh này đeo theo gã ròng rã đến tận bây
giờ. Có gì đâu, ngày còn tân binh ở Thanh Hóa, sểnh tí là gã chuồn. Chuồn
rất tài. Bốn tháng huấn luyện, gã phới về Hà Nội trót lọt đến ba lần. Cũng
tại vì yêu sớm. Cô người yêu, sau chiến tranh thành vợ, có hai mặt con.
Cuộc sống yên ổn, không còn gì để phàn nàn.
Sáu thằng đàn ông hối hả khuân đồ nghề lên bờ. Bờ là một bãi thoải.
Sát mép nước, cát vàng trải óng. Thắng vịt kêu lên:
- Đẹp quá. Giá thu hẹp lòng hồ lại thành sông thì chỗ này không chượi
vào đâu được, đích thị là dốc Ba Ba của dòng Đa Quýt.
Dốc Ba Ba, có đến già cũng không quên được. Ngày ấy A trinh sát
còn đủ mười một thằng. Thằng Vịnh, một trong hai đứa mất tích, nhà ở
ngoại thành, nhìn tăm sủi dưới sông, đoán đúng hướng đi của một con ba
ba lớn, bèn ném bộc phá chặn đầu. To lắm, phải hai thằng khiêng ì ạch. Dễ
đến hơn hai chục kí lô lận. Loay hoay dao thớt, cả tiểu đội đánh chén một