Vậy loài người có miễn dịch với ký ức hằn sâu không? Vâng, giống như
những chú vịt con bị lừa phỉnh cứ xếp hàng theo sau tiến sỹ Lorenz,
chúng ta không tiếp tục bò theo vị bác sỹ đã đỡ đẻ ta khi ta đã trưởng
thành. Nhưng
có một chứng cứ thuyết phục khác là chúng ta luôn dễ trở thành một nạn
nhân của loại ký ức hằn sâu – một dạng thức hằn sâu ban đầu của tính
dục.
Nhà nghiên cứu giới tính được ngưỡng mộ trên toàn cầu, tiến sỹ John
Money đã đề cập tới thuật ngữ “bản đồ tình yêu” cho trường hợp này.
Các bản đồ tình yêu của chúng ta là những vết khắc chạm của những nỗi
đau, niềm vui sướng trong não bộ chúng ta ở những phản ứng đầu tiên
với các thành viên trong gia đình, những người bạn thời thơ ấu và những
người ta gặp gỡ. Và những vết cắt sâu sắc tới nỗi chúng cứ hằn sâu mãi
mãi ở một chỗ nào đó trong tâm lý con người, chỉ chờ để trỗi dậy khi có
những kích thích phù hợp tác động.
Tiến sỹ Money nói: “Bản đồ tình yêu. Chúng phổ biến như những gương
mặt, cơ thể và não bộ. Mỗi chúng ta đều có một tấm bản đồ đó. Không
có nó, sẽ không có chuyện yêu đương, không hò hẹn, không sinh sôi nòi
giống”.
Đối tượng của bạn cũng có bản đồ tình yêu. Bạn có bản đồ tình yêu. Tất
cả chúng ta đều có bản đồ tình yêu. Chúng được chạm khắc một cách
khó tin vào bản ngã chúng ta, vào những xung đột bản năng, vào tâm lý,
vào tiềm thức chúng ta. Chúng có thể là những ấn tượng tích cực. Chẳng
hạn, có thể mẹ bạn dùng loại nước hoa nào đó; người cha thân yêu của
bạn có nụ cười dễ thương, hay thầy/cô giáo yêu thích của bạn thường
nhăn mũi khi cười. (Có lẽ, một quý bà xinh đẹp đội chiếc mũ đỏ là điều
tuyệt vời với Connie Hilton khi ông sinh trưởng ở vùng San Antonio,
New Mexico).