thái thú Nam Dương là Chử Cống lần lượt chiến bại mà chết tại trận
tiền, còn như những kẻ bỏ quan mà chạy thì nhiều không đếm xuể.
Đáng sợ nhất là, Lư Thực dẫn quân vượt Hoàng Hà lên phía bắc,
gặp phải quân chủ lực của Trương Giác đích thân chỉ huy chặn lại,
chiến cuộc đang vô cùng gay go. Trong khi hai cánh quân chủ lực của
Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn vừa mới xuất quan tiến vào Dĩnh Xuyên,
liền bị cánh quân của Ba Tài - bộ phận quân tinh nhuệ nhất của quân
Khăn Vàng vây khốn.
Quân địch có hơn mười vạn, mà quan quân tổng cộng chỉ có ba
vạn, Chu Tuấn bị vây khốn ở thành huyện Dương Địch, còn Hoàng
Phủ Tung bị vây ở huyện Trường Xã. Hai quân chẳng những không
thể thu phục lại những vùng đất đã mất và lên tiếp ứng bắc phạt, mà
ngay việc đột phá vòng vây tự bảo vệ mình cũng là cả một vấn đề, sau
đấy ngay cả việc liên lạc với triều đình cũng đều bị cắt đứt. Liên tục
mười ngày không nhận được tin tức, thành Lạc Dương rơi vào tình
trạng vô cùng khủng hoảng. Người những vùng khác bị giữ lại ở Hà
Nam không thể ra khỏi cửa quan, bá quan trong triều lo lắng cho
người nhà ở quê không có tin tức gì, dân chúng ai nấy lo sợ không biết
làm sao, cứ tiếp tục như vậy thành Lạc Dương rất có khả năng nảy
sinh biến loạn. Giang sơn đại Hán vô cùng nguy ngập, không biết
chừng trong một chớp mắt nào đó sẽ hóa thành tro bụi!
Hoàng đế Lưu Hoành như con chim bị đạn sợ làn cây cong,
không còn tâm tư nào mà hưởng lạc nữa. Ngay cả thập thường thị
cũng ý thức đến nỗi nguy mất nước, chỉ là gắng lấy tinh thần để động
viên Lưu Hoành, và lấy những tấu chương còn tồn lại từ trước để đọc
xem. Để phấn chấn lòng người, ổn định thế cục, Lưu Hoành ra sức đề
bạt những nhân tài bị đè nén trước đây, thậm chí gia phong cho ông
lão Dương Tứ - người từng tranh cãi gay gắt với mình dạo trước - làm
Lâm Tấn hầu, lấy lễ Tam Lão mà đối xử. Những người từng dâng sớ
yêu cầu bắt giữ Thái Bình đạo trước đây như Lưu Đào, Lạc Tùng,
Viên Cống cũng đều được thăng thưởng. Đồng thời ông ta hạ lệnh